Khởi nghiệp từ việc nhỏ

Sáng 2/4/2013, BTC Giải thưởng tài năng Lương Văn Can đã phối hợp với trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu doanh nhân – sinh viên với chủ đề “Văn hóa khởi nghiệp”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013.

15.5963

Khách mời, diễn giả của chương trình là các chuyên gia, doanh nhân thành đạt đang điều hành các doanh nghiệp lớn: ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty CP Đầu tư thương mại SMC; ông Lại Minh Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ du lịch và thương mại TST; ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ công nghệ tin học HPT; bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food; bà Phan Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch CLB DNSG, Phó trưởng BTC thường trực Giải thưởng tài năng Lương Văn Can, TGĐ Công ty thủy sản Tài Nguyên, TGĐ Công ty TMTM; bà Nhan Húc Quân – TGĐ Công ty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo; bà Dương Thanh Thủy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy và một số doanh nhân là hội viên CLB DNSG.

SV Đại học Mở hào hứng với buổi giao lưu
Về phía ĐH Mở TP.HCM, có sự tham dự của PGS.TS Lê Bảo Lâm – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Phúc – Phó Hiệu trưởng cùng các thầy cô trưởng khoa và hơn 500 sinh viên của trường.

PGS.TS Lê Bảo Lâm (phải) – Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP.HCM nhận quà lưu niệm của BTC Giải thưởng
Đại diện trường ĐH Mở, TS. Nguyễn Văn Phúc phát biểu: “Trong định hướng giáo dục của trường, chúng tôi luôn đặt trọng tâm là hướng sinh viên không những thu nạp tri thức mà còn áp dụng tri thức đó vào trong thực tiễn cuộc sống. Vì thế những buổi giao lưu như thế này là dịp hiếm hoi và quý giá để sinh viên có cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp lớn cũng như những tấm gương doanh nhân, để từ đó xác định hướng đi đúng đắn trên bước đường khởi nghiệp”.

Sinh viên tham gia giao lưu
Chương trình giao lưu hào hứng ngay phút đầu tiên khi người dẫn chương trình - doanh nhân Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ du lịch và thương mại TST chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn được nghe những câu hỏi và suy nghĩ từ các bạn, bởi vì chúng tôi đến đây không chỉ để chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm mà hơn hết chúng tôi cũng cần lắng nghe và học hỏi từ chính các bạn”.

Sinh viên tham gia trò chơi thắt cà vạt
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra: “Là sinh viên ra trường với tấm bằng cử nhân nhưng thường không được làm đúng chuyên môn của mình mà phải làm những công việc như bưng trà nước, quét dọn, sai vặt. Với cương vị là những người chủ doanh nghiệp, cô chú suy nghĩ thế nào về việc này?”. Câu hỏi này đã nhận được rất nhiều chia sẻ từ các doanh nhân bởi đây cũng là thực tế ở hầu hết các doanh nghiệp.

Doanh nhân Dương Thanh Thủy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Trung Thủy thẳng thắn: “Theo tôi, đây cũng là một nội dung cần trao đổi của chủ đề văn hóa khởi nghiệp. Khi các bạn đi làm và phải làm những việc lặt vặt tại công ty, đừng nghĩ đó là những việc tầm thường vì sau này, khi các bạn làm chủ, đó là những trải nghiệm quý báu. Bản thân tôi, tuy đang điều hành doanh nghiệp nhưng khi khách đến các trạm dừng chân của tôi, họ kêu 1 cái khăn mặt, 1 chai nước suối nếu nhân viên bận thì tôi cũng phục vụ tận tình. Không có công việc nào tầm thường, chỉ có cách chúng ta thực hiện công việc đó như thế nào”.

Doanh nhân Dương Thanh Thủy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Trung Thủy
Đồng quan điểm, doanh nhân Nhan Húc Quân chia sẻ: “Trước đây, khi bắt đầu đi làm, tôi cũng đã làm những việc như các bạn đã nêu, thậm chí khó khăn, vất vả hơn. Nhưng khi chúng ta làm tốt những công việc nhỏ thì người chủ mới đủ tin tưởng giao cho chúng ta những công việc và vị trí cao hơn”.

Có những câu hỏi được đặt ra, không chỉ để được nghe chia sẻ kinh nghiệm mà còn là những tâm tư của chính sinh viên. Có bạn chia sẻ: “Tuy được học tập ở một thành phố lớn như TP.HCM nhưng khi ra trường, chúng em nhất định sẽ trở lại quê hương mình để khởi nghiệp mặc dù quê nhà còn rất nghèo, chúng em muốn nghe ý kiến của các cô chú doanh nhân để có thêm động lực và quyết tâm”.

Quang cảnh buổi giao lưu
Ý kiến này đã được doanh nhân Lại Minh Duy chia sẻ: "Hiện nay, các doanh nghiệp lớn không chỉ tập trung ở những thành phố phát triển mà chúng tôi đã và đang mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Nơi nào chúng ta cũng có thể làm giàu chính đáng với điều kiện chúng ta cần trang bị đầy đủ một số yếu tố sau: kiến thức chuyên môn, vốn, kinh nghiệm và hơn hết là đam mê với những công việc mà chúng ta theo đuổi".

Một câu hỏi khác từ hàng ghế sinh viên: "Là phụ nữ và không biết uống rượu bia nhưng hợp đồng với đối tác thường được ký kết trên bàn nhậu, vậy làm cách nào để phụ nữ có thể thành công như phái mạnh?", hay: “Văn hóa khởi nghiệp là gì, có công thức chung nào cho văn hóa khởi nghiệp không và làm thế nào để chúng em có thể tạo ra văn hóa khởi nghiệp?”. Các câu hỏi thẳng và thật của các sinh viên đã được các doanh nhân gợi mở và làm sáng tỏ từng góc cạnh của vấn đề.

Một buổi chia sẻ đầy thú vị cho các bạn sinh viên và cả các anh chị doanh nhân, khi các anh chị được lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ và trăn trở của thế hệ trẻ trên bước đường lập thân của chính các em. “Văn hóa khởi nghiệp” là hành trang cần có để những chủ nhân tương lai của đất nước vững tin trước cánh cửa vào đời.

NGUYỆT HẰNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]