Không chần chừ điều trị suy giáp

Tôi đã mổ và cũng không nhớ là mình bị loại bướu gì. Một thời gian sau, tôi thấy bướu của mình hình như tái phát lại. Sau đó, tôi lấy chồng và mang thai.

15.6032

Năm 1996, tôi được phát hiện mắc bệnh bướu cổ và bác sĩ yêu cầu mổ. Tôi đã mổ và cũng không nhớ là mình bị loại bướu gì. Một thời gian sau, tôi thấy bướu của mình hình như tái phát lại. Sau đó, tôi lấy chồngmang thai.

Trong thời gian mang thai tôi thường xuyên đi khám và điều trị, bác sĩ có làm xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị suy giáp. Đến nay, tôi đã sinh con và con tôi đã được 2 tuổi. Hiện nay tôi có đi tái khám lại và tiếp tục điều trị. Tôi có hỏi bác sĩ có thể cho tôi được mổ để khỏi hẳn nhưng bác sĩ trả lời tôi bị suy giáp thôi, đâu có gì phải mổ, cứ uống thuốc theo liều của bác sĩ dặn.

Tôi thường uống loại thuốc levothyroxin mà người mắc bướu hay uống, nhưng tôi vẫn cứ lo sợ về căn bệnh bướu của mình. Xin BS có thể trả lời cho tôi biết, căn bệnh suy giáp của tôi có độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi không? Vàtôi có phải ăn kiêng những loại thực phẩm gì không?

N.T. Vuong


Chào chị, về bệnh tuyến giáp của chị, có thể xem có 2 vấn đề như sau:

Thứ nhất là tình trạng suy giáp. Xin giải thích một chút về suy giáp. Tuyến giáp nằm ở trước cổ, ai cũng có tuyến giáp cả, bình thường nó không to nên ta không nhìn thấy - nghĩa là không có bướu cổ. Nếu tuyến giáp to ra thì gọi là bướu cổ. Tuyến giáp có chức năng sản xuất ra một lượng hóc-môn giáp (chính là levothyroxin mà chị đang uống) vừa đủ cho nhu cầu sống của mỗi người.

Trong những trường hợp bệnh lý, tuyến giáp tiết ra quá nhiều hóc-môn này thì gọi là cường giáp và khi tuyến giáp tiết ra không đủ lượng levothyroxin cần thiết thì gọi là suy giáp. Nếu bị suy giáp thì người bệnh cần uống bổ sung lượng levothyroxin bị thiếu mỗi ngày. Cho tới nay, chưa có cách điều trị nào khác ngoài biện pháp uống hóc-môn giáp. (Ngoài levothyroxin ra, còn có một số thuốc khác tương tự, cũng là hóc-môn giáp nhưng hiệu quả thì không tốt hơn levothyroxin).

Do vậy, về vấn đề suy giáp thì chị nên an tâm và tiếp tục uống levothyroxin đều mỗi ngày. (Lưu ý: liều lượng thuốc rất quan trọng, bác sĩ theo dõi cho chị sẽ xem xét để tính được liều thuốc sao cho phù hợp, bù đủ với tình trạng thiếu hóc-môn giáp của chị).

Nếu không điều trị hoặc điều trị muộn, suy giáp sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại, những biến chứng nặng nề trên nhiều cơ quan, trong đó có bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu, suy tim và có thể không còn phục hồi cho dù sau đó có điều trị ổn suy giáp.

Một số trường hợp suy giáp, bị hôn mê và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, tốt nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm, liên tục (như hầu hết các bệnh lý mãn tính khác). Điều may mắn là việc điều trị rất đơn giản và hiệu quả bằng một loại thuốc uống (levothyroxin).

Vấn đề thứ hai là bướu giáp. Chị đã được mổ một lần - không rõ chẩn đoán là gì, nhưng hiện giờ thì không thấy chị nhắc đến có bướu giáp, nghĩa là tuyến giáp to ra, hay không. Nếu như bướu giáp đã được mổ và không còn bướu nữa thì xem như vấn đề đã được giải quyết xong, không còn gì để phải mổ nữa cả. Bây giờ mà có mổ cắt tuyến giáp thêm lần nữa thì chỉ làm cho tình trạng suy giáp của chị nặng thêm lên mà thôi.

Đó là những giải thích cho thắc mắc của chị. Ngoài ra, việc xác định nguyên nhân gây ra suy giáp và loại bướu giáp trước đây của chị là gì rất quan trọng cho việc theo dõi, điều trị sau này và chỉ có bác sĩ điều trị với những hồ sơ cũ mới trả lời chính xác được.

Việc ăn uống của chị không bị ảnh hưởng gì, cần chú ý có chế độ ăn uống cân bằng đủ các chất. Nếu chị có ý định có thai lần nữa hoặc còn cho con bú, cần ăn uống đủ chất i-ốt và uống levothyroxin đều đặn, đồng thời tái khám thường xuyên hơn. Việc để suy giáp xảy ra mà không uống thuốc đầy đủ trong thời gian mang thai có tác hại rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Chúc chị an tâm và sức khỏe.

AloBacsi.vn
Theo Ths.BS Trần Thế Trung - Tuổi trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]