Không chỉ là trị bệnh...

Đã 12 giờ đêm, vừa thiêm thiếp được một chút thì tiếng chuông điện thoại lại đổ liên hồi. Mình nhấc máy. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói ngập ngừng nhưng đầy lo lắng của người phụ nữ

15.6037

Đã 12 giờ đêm, vừa thiêm thiếp được một chút thì tiếng chuông điện thoại lại đổ liên hồi. Mình nhấc máy. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói ngập ngừng nhưng đầy lo lắng của người phụ nữ:

- Chị ơi, đã khuya rồi mà em vẫn phải làm phiền chị. Cháu nhà em bị sốt, người nóng hầm hập, làm thế nào bây giờ hả chị?

Nghe giọng nói, mình nhận ngay ra người mẹ vừa mang con đến khám cách đây ít hôm. Cháu bị nhiễm HIV, bố đã chết và chỉ còn có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Trong lúc đêm hôm này, lại xa cơ sở y tế, mình đã hướng dẫn tỉ mỉ về cách sử dụng nhiệt kế và theo dõi nhiệt độ, dùng thuốc và cách chăm sóc trẻ bị sốt cho chị và dặn nếu mai không thấy cháu đỡ thì đưa cháu đến phòng khám và không quên động viên, an ủi chị...

Nằm xuống rồi, mình cố nhắm mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Không biết đứa trẻ vừa rồi khi uống thuốc vào có giảm sốt không? Ở cái phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân nhi nhiễm HIV này, mỗi trẻ là một hoàn cảnh, có đứa mất cha còn mẹ, có đứa mồ côi phải ở với ông bà... nhưng chúng đa số bị lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mình cứ nhớ mãi trường hợp của chị L. ở Long Biên (Hà Nội). Quá lứa nhỡ thì, chị muốn "xin" một đứa con để trông cậy sau này. Chị kể, bố đứa trẻ làm thợ xây nhưng chị cũng không biết quê quán, vì nghĩ chỉ xin đứa con thôi chứ không muốn dính dáng vào chuyện tình cảm. Thế rồi xây xong công trình ở gần nhà chị, họ lại đi công trình khác và người đàn ông đó cũng không biết chị mang bầu. Thật không may, người đàn ông đó không chỉ cho chị đứa con mà còn "tặng" thêm cả HIV cho chị nữa. Đến tận lúc sinh chị mới biết mình bị nhiễm HIV và truyền cho con. Mỗi lần mang con đến khám, lĩnh thuốc về uống là bấy nhiêu lần chị ngậm ngùi cho số phận...

Nghe chị kể, mình cứ trăn trở mãi: không biết người đàn ông làm thợ xây đó có biết anh ta bị nhiễm HIV không nhỉ? Không biết anh ta đã làm lây lan cho bao nhiêu phụ nữ? Không biết vợ con của anh ta rao sao? Và bây giờ sức khỏe của người đàn ông đó thế nào?...

Những đứa trẻ thì vô tư, chúng làm sao biết mình đang mang trong người loại virut chưa thuốc nào diệt được. Song người lớn - những người làm cha, mẹ chúng khi phát hiện ra bản thân hay con mình bị nhiễm HIV, họ thường bị sốc, lại gặp phải sự kỳ thị của cộng đồng nên họ bi quan, chán nản và buông xuôi. Vì thế mà họ cần lắm những lời cảm thông, chia sẻ...

Nghĩ lại những buổi đầu làm trong lĩnh vực HIV,  kinh nghiệm còn hạn chế nên mình chưa tạo được lòng tin ở họ. Bệnh nhân nói dối, khai man địa chỉ, số điện thoại khiến việc quản lý và điều trị cho trẻ trở nên khó khăn. Thế rồi bằng việc học hỏi, mình đã gần gũi được bệnh nhân nhiều hơn, biết cách khai thác, đồng cảm, lắng nghe tâm tư của họ... Dần dần họ tin mình, nghe mình, đặc biệt là trong vấn đề tuân thủ điều trị. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị bằng thuốc kháng virut cho bất cứ một bệnh nhân AIDS nào.

Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm, khi gà gáy như thế này không còn lạ lẫm với mình và gia đình nữa: Nào là con sốt, nào là muốn tư vấn về HIV, nào là liều dùng thuốc này thế nào hả chị, thậm chí có bà mẹ không ngủ được gọi điện để được tâm sự với bác sĩ... Vì thế, với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS thì không chỉ đơn thuần là điều trị bệnh mà còn phải "điều trị" cả tinh thần cho họ: xóa bỏ mặc cảm, tinh thần lạc quan sẽ giúp cho họ sống tốt và có ích hơn.

Cứ miên man suy nghĩ, thế rồi trời sáng lúc nào không biết. Mình lại chuẩn bị cho một ngày làm việc mới...

BS. Hải Hà

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]