Không chống nắng, quý ông dễ mắc ung thư tế bào gai mu bàn tay

Mùa nắng nóng các chuyên gia về da liễu thường khuyên mọi người khi ra ngoài phải có bảo hộ chống nắng và sử dụng kem chống nắng để chống lại sự tàn phá của các tia UV.

15.579

Ảnh minh họa.

Ung thư vì tia UV

Anh Nguyễn Văn K. trú tại Hà Nội bị ung thư tế bào gai mu bàn tay, phải cắt bỏ hết lớp ổ gai và bác sĩ phải phẫu thuật tạo hình lại bằng lớp da vạt bẹn để cho bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Anh K. cho biết anh là thợ cấp thoát nước nên thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Anh chỉ mặc áo dài che tay nên không nghĩ rằng việc phơi nắng ngoài trời là nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư gai mu bàn tay của mình. Anh K cho biết, việc chủ quan với trời nắng nóng khiến anh đổ bệnh thực sự đáng tiếc.

Nhiệt độ ngoài trời mấy ngày nay ở Hà Nội luôn đạt ngưỡng trên 40 độ C. Các bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu Trung ương đều cảnh báo, nam giới hay phụ nữ đều phải cố gắng hạn chế ra ngoài trời lúc cao điểm nắng nóng từ 11h trưa đến 15h chiều. Trường hợp bắt buộc phải đi dưới trời nắng thì cần sử dụng áo chống nắng để che chắn tránh tia UV gây tác hại cho da.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Cao Kiêm - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết khoa ông thường tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư tế bào gai ở mu bàn tay do thói quen đi lại không sử dụng đồ chống nắng. 

Để điều trị ung thư tế bào gai, các bác sĩ thường phẫu thuật cắt bỏ lớp sùi gai và phẫu thuật tạo hình lại cho bệnh nhân. Bệnh nhân thường là những người có làn da sáng, nam giới và có tiền sử phơi nhiễm với tia UV liều cao tích lũy lâu ngày. Đầu tiên thường bắt đầu nhú sừng như mụn cóc, gồ cao có vảy, dần dần phát triển to hơn xâm lấn sâu bên dưới, chung quanh có quầng viêm đỏ, ít di động.

Một trường hợp khác là anh Bùi Văn M. cũng trú tại Hà Nội được bác sĩ phẫu thuật thay vạt da bẹn lên vùng bị ung thư để tạo hình lại mu bàn tay. Đây được xem là kỹ thuật trong điều trị ung thư da hiện nay.
Hình ảnh phẫu thuật ghép vạt da cho bệnh nhân bị ung thư tế bào gai mua bàn tay.
Thạc sĩ Kiêm cho biết, vạt bẹn là một vạt da nằm ở vùng bẹn. Vạt được nuôi dưỡng bởi động mạch mũ chậu nông. Vạt có ưu điểm: phong phú về chất liệu; nơi cho vạt được dấu kín; vùng lấy vạt được khâu da trực tiếp, kỹ thuật đơn giản.

Vạt bẹn ít được sử dụng dưới dạng vạt tự do có nối mạch vi phẫu, nhưng thường được sử dụng dưới dạng vạt cuống mạch liền để tạo hình khuyết hổng bàn tay.

Trong chuyên ngành da liễu, vạt bẹn được sử dụng để tạo hình các khuyết tổ chức sau khi phẫu thuật điều trị ung thư da, và các u da lành tính khác.

Sau khi phẫu thuật loại bỏ tổ chức u da, thiết kế vạt bẹn lớn hơn kích thước khuyết hổng 10% - 20%, phẫu thuật lấy vạt bẹn che phủ khuyết hổng, cuống vạt được cắt sau 10 ngày.

Ung thư tế bào gai là gì?

Ung thư tế bào gai thường xuất hiện ở những vùng da ít được quần áo che phủ: đầu, cổ, bàn tay và cẳng tay, thân trên và chân phía dưới. Biểu hiện ban đầu thường sù sì, có thể mọc khá nhanh trong vòng vài tháng, đường kính từ vài ly đến vài phân. Nó có màu như màu da thường, hoặc màu nâu đỏ, màu hồng. 

Nguyên nhân của bệnh là do ánh sáng mặt trời: liều tích luỹ càng cao nguy cơ càng lớn. Thành phần quan trọng nhất của ánh sáng mặt trời gây ung thư da là UVB (290-320nm), nó khởi phát và hoạt hoá bệnh ung thư. Ở động vật thực nghiệm, UVB mạnh hơn 1.000 lần so với UVA (320-400 nm) trong việc gây ung thư. 

Ung thư tế bào gai luôn luôn xuất hiện trên những thương tổn đã có từ trước, nhất là trên nhóm bệnh da tiền ung thư, hiếm hơn là trên những vùng da có sẹo, viêm mạn hoặc dày sừng ở người già. Bệnh xuất hiện tự nhiên, sau sang chấn nhiều lần lặp đi lặp lại hoặc sau khi điều trị không thích hợp. Thương tổn lớn lên, lan rộng ra, lớp sừng dày lên, trên bề mặt bị loét, thâm nhiễm sâu xuống dưới, bờ nổi cao lên (những nụ thịt), có quầng đỏ bao bọc xung quanh, có khi xuất hiện dạng như nhú sừng.

U lồi cao hơn, to hơn và cùng một lúc ăn sâu, thâm nhiễm hơn, gắn vào trung bì. Bề mặt khối u không đều, vừa có nhiều nụ thịt, vừa loét, loét đôi khi rất nhiều, độ lớn và bờ rất thay đổi, đáy không đều thành vòm, ít hoặc nhiều xùi và chảy máu, bờ dày cứng và bị lật cong ra, sờ vào thấy bờ cứng chắc thâm nhiễm xuống dưới quá cả giới hạn của thương tổn. 

Trên bề mặt vết loét rải rác có thể thấy chấm trắng màu sữa, khi ấn vào đùn ra những khối nhỏ màu trắng như một nhân do tế bào loét bị ung thư sừng hoá, nhận thấy rõ khi chiếu ánh sáng Wood. Một vài trường hợp khối u có dạng hình bán cầu, vết loét ở giữa có một bờ xung quanh dày và không đều giống như u sừng gai. 

Khánh Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]