Không chủ quan khi bệnh viêm não Nhật Bản diễn biến bất thường

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tháng Sáu, Bảy, Tám là thời kỳ đỉnh cao “bùng phát” dịch bệnh viêm não virus, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản.

15.6032
Bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)



Đặc biệt, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định rằng không thể chủ quan khi bệnh viêm não Nhật Bản mới chỉ bắt đầu bước vào mùa nhưng đã có nhiều điều “bất thường” khi xuất hiện khá nhiều ca người lớn mắc bệnh nặng với các biểu hiện hôn mê sâu, liệt người.

Biến chứng rất nặng

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sỹ của bệnh viện vừa tiếp nhận ba trường hợp nữ giới từ 19-20 tuổi mắc bệnh viêm não trong tình trạng nặng, trong đó hai trường hợp đã có kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, đây là hai ca mắc bệnh viêm não   Nhật Bản đầu tiên ở người lớn trong năm nay vừa được phát hiện và đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

“Đây là điều khá đặc biệt và đáng lo ngại vì những năm trước đây rất hiếm gặp những trường hợp người lớn bị mắc bệnh nặng như thế này. Trong khi đó, chỉ trong thời gian ngắn của thời điểm vào mùa bệnh viêm não đã có ba trường hợp người lớn mắc,” thạc sỹ Cấp lo lắng.

Đang nằm điều trị tại phòng hồi sức tích cực, bệnh nhân N.H.Y (20 tuổi, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 28/6 trong tình trạng hôn mê sâu, liệt chân tay.

Người nhà của bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện ba ngày, bệnh nhân bị sốt cao, có những cơn co giật sau đó hôn mê sâu dần, đại tiểu tiện không tự chủ, yếu nửa người bên phải. Sau sáu ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân vẫn hôn mê sâu đang phải thở máy.

Thạc sỹ Cấp cho hay, bệnh nhân N.H.Y vẫn trong tình trạng nặng. Nếu điều trị tốt thì bệnh nhân có thể qua được, nhưng rất dễ để lại những di chứng như tâm thần, hôn mê, liệt người. Bởi đối với những ca bị mắc virus viêm não Nhật Bản thường biến chứng rất nặng.

Trường hợp thứ hai mắc bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhân nữ C.T.T (18 tuổi), ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội.

Bệnh nhân T. vào viện ngày 17/6 trong tình trạng chậm chạp, lơ mơ, sốt cao liên tục. Trên người bệnh nhân yếu cơ tăng dần, sau đó liệt toàn bộ chân tay và đến ngày thứ 6 thì liệt cơ hô hấp, bệnh nhân không tự thở được, phải vào thở máy.

Bốn ngày trước khi vào viện, bệnh nhân C.T.T có tình trạng đau đầu, sau một ngày xuất hiện sốt cao 40 độ, có cơn rét run, buồn nôn và nôn. Vào bệnh viện Ba Vì chẩn đoán viêm não và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân điều trị theo hướng viêm não, kết quả xét nghiệm khẳng định viêm não Nhật Bản dương tính.

Đến nay đã nằm viện 16 ngày nhưng tay chân của bệnh nhân T. vẫn rất yếu, gần như không thể cử động.

Ca thứ ba mắc bệnh viêm não cũng đang trong tình trạng hôn mê là một bệnh nhân nữ 19 tuổi (ở Ứng Hòa, Hà Nội).

Bệnh nhân vừa vào viện ngày 2/7. Trước đó bệnh nhân bị đau đầu, sau đó sốt và hôn mê. Hiện bệnh nhân trên đang chờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán có mắc viêm não Nhật Bản hay không.

Đề phòng sốt cao, tổn thương hệ thần kinh


Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên trong đó virus viêm não Nhật Bản là một trong những tác nhân gây bệnh này. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Một loại vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị 129 trường hợp viêm não virus, trong đó có 46 trường hợp được chẩn đoán xác định là viêm não Nhật Bản từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Trong số các ca mắc viêm não Nhật Bản trên, tại thành phố Hà Nội có 15 trường hợp, 1 trường hợp tử vong; Hải Dương có 5 trường hợp mắc bệnh; còn lại các tỉnh khác ghi nhận từ 1-3 trường hợp.

Theo phó giáo sư Phu, bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8. Viêm não Nhật Bản B là một bệnh lây truyền qua trung gian là muỗi đốt.

Nguyên nhân bệnh bùng phát vào mùa Hè là do thời tiết nóng là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đây cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc. Khi muỗi đốt những con vật mang mầm bệnh trên sẽ truyền bệnh cho con người. Những ai chưa được tiêm phòng thì sẽ rất dễ bị lây truyền bệnh”

Theo thạc sỹ Cấp, bệnh viêm não Nhật Bản gây tổn thương trực tiếp tại não và lan tỏa nhiều nơi, trong khi hiện không có thuốc đặc hiệu. Vì vậy, những bệnh nhân mắc bệnh này thường nặng và tỷ lệ tử vong cao. Còn đối với những trường hợp có chữa khỏi thì khả năng di chứng cũng khá cao như thay đổi về khả năng tâm thần, vận động.

Thạc sỹ Cấp cũng khuyến cáo người dân cần tiến hành các biện pháp phòng bệnh ở thời điểm bệnh viêm não, viêm màng não do virus, vi khuẩn nói chung đã bắt đầu vào mùa. Một người khi mắc bệnh viêm não Nhật Bản thường có các biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau, mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc chân tay có dấu hiệu bị liệt.

Vì vậy, người dân khi thấy bất cứ trường hợp nào sốt, có các biểu hiện nghi ngờ như trên cần đến bệnh viện ngay để kịp thời chẩn đoán, điều trị giảm thiểu tối đa những di chứng do viêm não gây ra.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, hữu hiệu nhất là tiêm phòng vắcxin đầy đủ và đúng lịch./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]