Không nên ăn ốc có màu sắc sặc sỡ

Ốc là món hải sản có giá cả phải chăng nên luôn hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì không phải loại ốc nào cũng an toàn khi thưởng thức.

15.6032

TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, trên thực tế đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc khi ăn phải ốc biển. Vào đầu tháng 1 năm nay, đã có trường hợp 3 ngư dân ở Thanh Hóa tử vong do ăn ốc biển trên thuyền khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh.

Thực khách không nên ăn những loại ốc có màu sắc sặc sỡ

Theo TS Hùng, có những loài ốc luôn luôn chứa chất độc gây ngộ độc cho người ăn nhưng có một số loài ốc biển bình thường không hề gây ngộ độc cho người ăn nhưng có thể “đột nhiên” lại trở nên độc. Nguyên nhân là do ốc ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể.

Độc tố của loài ốc biển này thường nằm ở tuyến nước bọt với 2 loại chính là Saxitoxin và Tetrodotoxin. Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc tram… và có thể có trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua, rạm. Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và có trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển...

TS Hùng cho biết thêm, sau khi ăn phải thức ăn được chế biến từ ốc biển có chứa độc tố (Tetrodotoxin hay Saxitoxin), triệu chứng ngộ độc cấp tính xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ. Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi; có thể biểu hiện hội chứng về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, nôn mửa dữ dội…); biểu hiện hội chứng thần kinh (tê, rát bỏng lan dần đến chân tay, kèm đau đầu, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, liệt, chóng mặt, rối loạn ý thức, hôn mê…); hội chứng hô hấp (khó thở, hô hấp nhanh, nông và ngưng thở…). Bệnh nhân suy hô hấp cấp, truy tim mạch và dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Điều đáng lo ngại theo các chuyên gia cảnh báo là hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin. Vì thế, biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu nhất cũng chỉ là kích thích cho bệnh nhân nôn (nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt); rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc...

Vì thế, để dự phòng ngộ độc do ốc biển chứa độc tố, TS Hùng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại ốc biển nghi ngờ có độc, các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (ốc ma) để chế biến thành thức ăn.

Các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo, trong trường hợp sử dụng ốc làm thức ăn thì bắt buộc phải ngâm với nước muối nhạt, nước vôi hoặc dấm ăn trong khoảng 4- 6 tiếng để kích thích đào thải hết cặn bã, chất độc (nếu có) trong ốc ra. Trước khi chế biến (luộc, hấp) nên rửa lại bằng nước sạch, để ráo nước rồi mới nấu chín kỹ và nên ăn ngay sau khi chế biến.

TS Hùng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn sống, ăn tái hoặc không qua sơ chế với bất kỳ thực phẩm nào đặc biệt với các loại ốc. Ngoài ra, nếu chẳng may ăn phải ốc mang độc tính gây ngộ độc thì người thân cần phải khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Quỳnh Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]