Không nên chủ quan với bệnh tay chân miệng

(AloBacsi) – Năm nay bệnh tay chân miệng diễn biến bất thường và các chuyên gia y tế lo ngại virus gây bệnh bị biến đổi gien nên dịch tăng mạnh.

15.6027

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về dịch tay chân miệng do bộ y tế tổ chức ngày 25/5 cho thấy số ca mắc hiện đã lên đến 46.277, bệnh có mặt tại 63 tỉnh thành, tăng hơn 10,2 lần so với cùng kỳ 2011; số ca tử vong là 27, tăng 1,7 lần. Các chuyên gia đều lo ngại về sự biến đổi độc lực của vi rút theo chiều hướng tăng cao.


Để bảo vệ con trẻ, cha mẹ không nên chủ quan với bệnh tay chân miệng (ảnh minh họa: VnExpress)

Do đó, đến thời điểm này thì các phụ huynh cũng không nên chủ quan đối với bệnh tay chân miệng, hết sức chú ý vệ sinh cá nhân và nhà cửa để bảo vệ con mình khỏi dịch bệnh này.

Phòng dịch tay chân miệng tại nhà

Theo Sở Y tế TPHCM, để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, phụ huynh và người chăm sóc trẻ tại các gia đình, giáo viên ở nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mẫu giáo phải chủ động thực hiện rửa tay thường xuyên, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần theo hướng dẫn như sau:

1.    Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng cho trẻ, người chăm sóc trẻ. Rửa tay trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ (thay tã, dọn vệ sinh cho trẻ), khi bàn tay bị vấy bẩn, đặc biệt là sau khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ bệnh

2.    Vệ sinh hàng ngày đồ chơi, vật dụng mà trẻ tiếp xúc, lau chùi sàn nhà, khu vực sinh hoạt của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông dụng hoặc bằng dung dịch Chloramin B (cấp miễn phí tại Trạm y tế), pha nửa muỗng cà phê trong 1 lít nước

3.    Khử khuẩn:

-   Khử khuẩn hàng tuần (trường hợp không có trẻ bệnh): ngâm đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc, lau chùi sàn nhà, khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch Chloramin B, pha một muỗng cà phê trong 1 lít nước

-    Khử khuẩn hàng ngày (trường hợp có trẻ bị bệnh): khử khuẩn phải được thực hiện hàng ngày trong 10 đến 15 ngày. Pha 5 muỗng cà phê bột chloramin B trong 1 lít nước. Đối với vật dụng, đồ chơi của trẻ bị bệnh phải tiến hành khử khuẩn ngay sau khi trẻ vừa chơi hoặc sử dụng xong

* Các bước khử khuẩn đồ chơi, vật dụng, nhà cửa đúng cách:

-   Bước 1: Lau sạch, rửa sạch bụi, chất bẩn trên bề mặt các vật dụng trẻ thường tiếp xúc, sinh hoạt, ngủ, sàn nhà trước khi khử khuẩn

-   Bước 2: Lau sàn nhà, vật dụng…, ngâm đồ chơi trong dung dịch khử khuẩn đã pha, để trong 10 – 20 phút

-   Bước 3: Lau lại bằng nước sạch và lau khô. Với đồ chơi của trẻ thì rửa lại bằng nước sạch và phơi khô

* Lưu ý: Nên dùng hai xô hoặc thau riêng biệt: một để chứa nước đã pha dung dịch khử khuẩn, một chứa nước sạch để xả bẩn. Khăn lau cũng nên dùng 2 cái riêng: một để lau khử khuẩn, một để lau lại, lau khô. Khi thấy dung dịch khử khuẩn hay nước xả bẩn, đục màu thì thay dung dịch hoặc nước khác. Không tận dụng dung dịch đã khử khuẩn đồ chơi, vật dụng để lau nhà vì dung dịch lúc này không đủ tác dụng khử khuẩn.

Dấu hiện nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng là:

            + Sốt, đau họng, đau miệng;

            + Loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước: niêm mạc miệng, lợi, lưỡi;

            + Ban dạng phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông;

            + Có thể gây biến chứng: viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Bạn cần nắm vững các dấu hiệu trên để nhanh chóng xác định bệnh của con trẻ, đưa trẻ đến cơ sở y tế chữa trị ngay và thực hiện các biện pháp tránh lây lan dịch.

Các biện pháp xử lý khi có người mắc tay chân miệng

- Bệnh nhân phải được cách ly; mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách khi nói chuyện;

- Chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng dung dịch cloramin B;

- Áo quần, chăn màn khử trùng bằng đun sôi, ngâm dung dịch cloramin B 2%;

Đối với người chăm sóc trẻ: phải rửa tay ngay sau khi thay tã cho trẻ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung dụng cụ với trẻ bệnh.

Khi trẻ còn triệu chứng bệnh, không được phép tham gia các hoạt động, gặp gở đông trẻ em khác.

Theo dõi sát các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho các cơ sở y tế.

Hạnh Phúc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]