Không nên đến mùa dịch mới đưa con đi tiêm phòng

GiadinhNet - Thời gian gần đây, nhiều người dân bức xúc chuyện thiếu vaccine dịch vụ, “tìm đỏ mắt” không có vaccine để tiêm cho con. Phải chăng điều này do sự chậm trễ cấp phép của cơ quan chức năng hay thói quen thụ động trong việc tiêm phòng của người dân, khi có dịch mới đổ xô đi tiêm dẫn đến việc hết vaccine khiến các doanh nghiệp không có cơ sở để đặt hàng từ trước?

15.6154

Tiêm vaccine- cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ. Ảnh: G. Tây

 
Doanh nghiệp cần lên  kế hoạch, đặt hàng sớm

Hiện nay, tại một số điểm tiêm chủng ở các thành phố lớn, vaccine sởi dịch vụ loại “3 trong 1” và vaccine thủy đậu, cúm,“6 trong 1”  đang khá khan hiếm.

Ông Đặng Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), một trong số ba nhà cung cấp vaccine thủy đậu ở Việt Nam cho biết, mặc dù Công ty đã cung cấp vaccine ngừa thủy đậu của Hàn Quốc ra thị trường, nhưng hiện nay nhiều người vẫn quen dùng vaccine của Bỉ. Năm 2013, nhà sản xuất vaccine thủy đậu của Bỉ đưa vaccine thủy đậu vào thành phần vaccine “4 trong 1” cung cấp ra thị trường thế giới, song khi cung cấp họ lại thấy nhu cầu vaccine riêng rẽ nhiều hơn nên muốn quay lại dây chuyền sản xuất cũ phải mất 6 tháng, hi vọng cuối năm nay mới có thể cung cấp trở lại vaccine thủy đậu được.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc hết vaccine dịch vụ hiện nay là do việc chậm trễ cấp phép từ cơ quan chức năng, nhưng theo thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tất cả 11 vaccine phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia và các vaccine phục vụ tiêm chủng dịch vụ của nhân dân (bao gồm các vaccine “3 trong 1”, thủy đậu, cúm, “6 trong 1”) đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Do đó, các sản phẩm này được nhập khẩu theo nhu cầu, không bị hạn chế về số lượng, trị giá, không phải xin giấy phép nhập khẩu, không phải xác nhận đơn hàng nhập khẩu của Cục Quản lý dược.

Do yêu cầu cao về công nghệ nên số lượng nhà sản xuất trên toàn thế giới rất ít. Do vậy, điểm mấu chốt để có nguồn cung đủ và kịp thời là việc lập dự trù, đặt hàng.

Việc thiếu cục bộ một số loại vaccine dịch vụ tại một số điểm tiêm chủng trong thời gian qua là do việc lập dự trù, đặt hàng của các đơn vị tiêm chủng chưa kịp thời, dẫn tới việc các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu không chủ động trong xây dựng kế hoạch cung ứng.
 
Cần phòng bệnh chủ động

Đối với các vaccine nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân, Cục Quản lý dược quản lý về chất lượng và cấp số đăng ký lưu hành/giấy phép nhập khẩu. Số lượng nhập khẩu không hạn chế, phụ thuộc vào việc đặt hàng của các đơn vị tiêm chủng hoặc nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Giá vaccine nói riêng và giá thuốc nói chung được tổ công tác liên ngành của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Y tế rà soát, xem xét trên cơ sở kê khai của doanh nghiệp, giá mua vào phải đảm bảo không cao hơn giá kê khai, kê khai lại.

Về vaccine thủy đậu, hiện nay có 3 sản phẩm nước ngoài có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn chủ động về thời điểm nhập khẩu và số lượng nhập khẩu vaccine này. Việc một số đơn vị tiêm chủng thông báo chưa có vaccine thủy đậu có thể là do việc dự trù, đặt hàng chưa kịp thời. Khi có dịch bệnh xảy ra nhu cầu tiêm vaccine của nhân dân tăng, việc chủ động đặt hàng, dự trù của các cơ sở tiêm chủng đối với các doanh nghiệp cung ứng là mấu chốt để có thể bảo đảm cung ứng đủ vaccine cho nhu cầu tiêm chủng.  Theo các chuyên gia y tế, người dân cần phòng bệnh chủ động, nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng; Không nên đến mùa dịch mới đổ xô đưa con đi tiêm.

Theo Cục Quản lý dược, hiện có vaccine phòng 30 bệnh, nhưng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia chỉ có vaccine phòng 11 bệnh vì thế rất nên có những tờ hướng dẫn khuyến cáo người dân để họ biết tuổi nào tiêm vaccine gì, đi du lịch hay đi làm ở vùng dịch cần tiêm vaccine như thế nào...
 
Hà Nội: Bệnh nhân mắc thủy đậu tăng gần 40%

Tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 20/5, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp, đã ghi nhận 1.159 trường hợp, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về bệnh sởi, đến ngày 19/5 số lượng bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện đã giảm 62,3%, số ca phát ban dạng sởi mắc mới cũng đang giảm dần nhưng vẫn còn một số bệnh nhân nặng. Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ giữa tháng 5, Hà Nội đã khống chế được dịch sởi nhưng số bệnh nhân mắc mới sẽ chưa hết ngay mà phải xuống từ từ. Hà Nội đang cố gắng dập dịch và quyết tâm không để dịch sởi quay trở lại.
 
T.Nguyên
 
Tri Thường
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]