Không nên đùa với giun sán

(SKGĐ) Nếu như thấy trong người thường xuyên khó chịu, buồn nôn, chóng mặt, đi đại tiện phân lỏng, đau bụng âm ỉ, bạn hãy nghĩ đến sán.

15.5808

Ảnh minh họa

Dưới đây là một số nhận biết và phòng ngừa giun sán cho bạn:

1. Sán lá gan

Người hay ăn gỏi cá, ăn sống các loại rau trồng hoặc mọc dưới nước bị nhiễm bẩn.

Triệu chứng:

Đau bụng, sốt thất thường, vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, có người sốt nhẹ, cảm giác bị ớn lạnh.

Nhưng có người lại sốt cao đến 39-40 độ, đau thắt gan và vùng thượng vị, nên thường nhầm tưởng là ung thư gan, đau dạ dày.

Phòng tránh:

- Ăn chín, uống sôi. Không ăn tái các loại rau thủy sinh.

- Không uống nước sông, suối, ao, hồ, mương, kênh rạch.

- Điều trị cho động vật bị nhiễm sán lá gan và tránh chất thải của chúng vào nguồn nước.

2. Sán lá ruột

Những người hay ăn lòng lợn, nội tạng, tiết canh, bò thường có nguy cơ mắc các bệnh về sán lá ruột.

Triệu chứng:

- Bắt đầu: Bệnh nhân có những triệu chứng mệt mỏi, thiếu máu, giai đoạn này thường dễ bị bỏ qua.

- Phát triển: Bệnh nhân thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa kèm theo tiêu chảy thất thường có khi kéo dài nhiều tuần. Đau bụng âm ỉ, phân lỏng, có thể xảy ra những cơn đau dữ dội. Giai đoạn này dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác của đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt...

- Nặng nhất: Phù toàn thân, phù mặt, phù bụng, phù chân, tràn dịch nội tạng và bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy kiệt.

Phòng tránh:

- Không được ăn các loại rau trồng trong nước không được nấu chín.

- Không ăn tiết canh, lòng mề, nội tạng. Đặc biệt nếu có ăn phải rửa sạch nấu chín kỹ.

- Khi có các biểu hiện lâm sàng nghi nhiễm sán lá ruột, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng.

3. Sán dây lợn

Người bị mắc bệnh do đã từng ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu, bò tái, sống, chưa nấu chín.

Triệu chứng:

- Bị tăng áp lực sọ não gây nhức đầu dữ dội, xảy ra các cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng...

- Sau điều trị, khoảng từ 3-6 tháng nếu hết các triệu chứng lâm sàng và hết ấu trúng sán ký sinh hoạt động mới được xem là đã khỏi bệnh.

Phòng tránh:

- Trước khi ăn nên rửa tay sạch sẽ.

- Không ăn rau sống chưa được rửa kỹ.

- Không ăn thịt lợn, gan lợn, thịt trâu, bò tái, sống chưa được nấu chín kỹ.

4. Sán dây bò

Người ăn phải thịt bò tái, thịt bò nấu chưa chín có chứa các nang ấu trùng sẽ mắc bệnh sán dây bò. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50-60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...

Triệu chứng: Người bị sán dây thường bị đầy bụng, đau vùng rốn, dần dần yếu mệt, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, suy dinh dưỡng do sán chiếm dụng thức ăn gây khó chịu, bứt rứt ở vùng hậu môn, huyết áp hạ, thiếu máu, gây cơn đau ruột thừa, gây tắc nghẽn hoặc bán tắc nghẽn ruột.

Phòng tránh: Không nên ăn thịt trâu, bò còn sống, tái vì cơ hội bị nhiễm bệnh sán dây là điều không thể tránh khỏi.

  Đông Thảo

Bài viết có sự tư vấn của BS. Nguyễn Thu Lệ

Khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TW

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]