Không nên kỳ vọng nhiều vào VAMC

Tăng trưởng tín dụng vẫn phải phụ thuộc một phần vào xử lý nợ xấu. Nhưng trên thực tế, giải pháp tăng trưởng tín dụng sẽ không đủ mạnh nếu chỉ dựa vào VAMC để giải quyết cục nợ xấu khổng lồ.

15.5729

CôngThương - Đến nay, chưa có tiếng nói thống nhất con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại các NHTM khoảng 10%, Thanh tra NHNN khẳng định tỷ lệ nợ xấu của các NHTM khoảng 8,6%, tương đương trên 200.000 tỷ đồng, còn Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại công bố tỷ lệ nợ xấu là 11,8%, tương đương 270.000 tỷ đồng.

Nợ xấu đã và đang thực sự là trở ngại lớn. Thứ nhất, DN mất khả năng vay vốn nếu có nợ xấu. Không NHTM nào dám cho vay nếu DN có nợ xấu. Thứ hai, nợ xấu làm tắc nghẽn dòng vốn. Vì vậy, NHTM phải thu hút tiền gửi của các khách hàng mới để trám lại khoảng trống đó.

Xác định nợ xấu phải được giải quyết nhanh, cuối tháng 7/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động. Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, VAMC được xem là công cụ đặc biệt của NHNN nhằm góp phần đẩy nhanh xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và DN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý. Một phần dòng tiền sẽ trở lại, nếu VAMC được vận hành tốt và đi vào thực tế một cách nhanh chóng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào khả năng vay vốn của DN và cho vay của NHTM. Không nên kỳ vọng nhiều vào việc VAMC giúp tăng trưởng mạnh tín dụng. Có thể trong tương lai, VAMC gián tiếp có sự ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, nếu các NHTM được hỗ trợ tái tạo lại nguồn vốn và cho vay.

Tuy nhiên, sau mấy tuần đi vào hoạt động, đến nay chưa có thông tin nào về việc VAMC mua được bao nhiêu nợ xấu, ngoài việc Ngân hàng ACB tuyên bố có thể bán cho VAMC hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện tại, các NHTM cũng đang kỳ vọng được chiết khấu cao, trước có thông tin được chiết khấu tới 40%, nhưng đến nay vẫn chưa có con số chính thức. Chiết khấu cao, ngân hàng nhận được “tiền tươi” trở lại, nếu không thì nắm trái phiếu đặc biệt của VAMC, mà về bản chất, nó cũng chỉ là chứng nhận công nợ.

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào VAMC, dù nó có thể trở thành một công cụ hữu hiệu trong xử lý nợ xấu và phát triển ngành ngân hàng, mà chỉ có thể kỳ vọng VAMC sẽ thanh lọc được hệ thống, đem những tài sản xấu đó ra khỏi bảng cân đối kế toán của NHTM.

Như vậy, trong một năm nữa, bảng cân đối kế toán có thể sẽ sạch hơn, các NHTM có khả năng huy động vốn, vay tiền từ các tổ chức nước ngoài... Dĩ nhiên, VAMC có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Nhưng cho đến nay, VAMC còn phải làm rất nhiều việc để có thể mua lại nợ xấu.

Hải Vân

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]