Không nên tự ái trong hôn nhân

Nghe tin vợ chồng anh Minh, chị Hải (quận 11, TP HCM) ra tòa ly dị, hàng xóm xung quanh rất ngạc nhiên. Bởi anh chị là những trí thức, đối xử với nhau vất lịch sự, chẳng bao giờ nghe họ to tiếng, nặng lời. Ai cũng cho đây là một gia đình hạnh phúc.

0

Vị nữ thẩm phán cho biết, tuy trong đơn ly hôn họ chỉ ghi: “Do không phù hợp quan điểm sống”, nhưng qua tìm hiểu, chị biết nguyên nhân dẫn đến tan vỡ gia đình là cả hai không có sự cảm thông cho nhau. Chị Hải thổ lộ, sau ngày cưới, chị vô cùng hụt hẫng khi thấy người đàn ông lịch lãm của mình để lộ tất cả những thói xấu như: ăn uống nhồm nhoàm, ngồi trong mâm cơm, gặp thứ nào thích là gắp lấy gắp để, chẳng để ý đến ai, từ quán ăn bước ra, bao giờ miệng cũng ngậm một cái tăm. Có lần chị bực mình, mắng chồng là đồ... thiếu văn hóa.

Thẩm phán cho rằng tất cả những thói xấu ấy không quan trọng, có thể bỏ qua được nếu người vợ có thiện chí giúp đỡ. Nhưng chị Hải lắc đầu: “Chuyện đó rất tế nhị, nói ra không chỉ anh ấy ngượng mà ngay cả tôi cũng thấy kỳ kỳ”. Còn anh Minh, tuy không biết rõ ràng vì sao vợ trở nên lạnh nhạt, cáu kỉnh với mình, anh cũng chẳng thèm hỏi. Khi không chịu đựng được cuộc sống nặng nề nữa, chị Hải đề nghị ly dị thì anh Minh bảo: “Cô muốn sao cũng được”.

Tương tự như trường hợp vợ chồng chị Thủy, anh Thịnh, cũng vì tự ái, không thông cảm cho nhau mà họ đã đưa đơn ly hôn. Chị Thủy kể, chồng mình ga lăng, luôn biết cách làm vui lòng người khác, nhưng về nhà với vợ con thì rất vô tâm, chẳng bao giờ nhớ đến ngày cưới, ngày sinh nhật vợ để tặng một bông hoa. Một lần, sau khi nghe chị kể về những xích mích ở cơ quan, anh sẵng giọng: “Chuyện tào lao, có gì đâu mà em phải kể”. Từ ấy, chị không bao giờ kể chuyện cho chồng nghe. Có người hỏi tại sao chị không nhắc khéo chồng để anh sửa, chị cười buồn: “Tình yêu là phải tự giác, yêu tôi thì anh phải biết cách làm thế nào cho tôi vui. Nói ra thì còn ý nghĩa gì nữa. Tôi có lòng tự trọng, không muốn cầu cạnh, van xin anh chăm sóc mình”.

Theo những cán bộ làm công tác hòa giải ở các tòa án quận, huyện TP HCM, số vụ hòa giải thành công ở các cặp vợ chồng trí thức thường chỉ chiếm 3-5% vì họ lịch sự tới mức không để lộ ra mẫu thuẫn. Thậm chí có người còn bảo: “Chúng tôi đều là trí thức, có thừa trình độ để nhận thức rõ mình đang làm gì. Vì thế xin cảm ơn lòng tốt của thẩm phán. Xin đừng cố gắng thuyết phục tôi”.

Thực ra, theo các chuyên gia tâm lý, làm hòa, chịu nhịn trước chồng mình không phải vì thua kém hơn họ mà vì muốn giữ gìn hạnh phúc. Trong cuộc sống gia đình, mỗi người cần biết dẹp đi lòng tự ái. Như vậy không có gì là xấu cả.

(Theo Phụ Nữ)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]