Không phân biệt đối xử với người bệnh

SKĐS - Ngành Y tế là một ngành đặc biệt, liên quan đến sinh mạng người bệnh, đòi hỏi người thầy thuốc vừa có tâm, vừa có tài.

15.5575

Trong thời buổi kinh tế thị trường, sự chăm sóc sức khỏe được coi là một ngành dịch vụ, trong đó thầy thuốc là người cung ứng dịch vụ, bệnh nhân là người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, ngành Y tế là một ngành đặc biệt, liên quan đến sinh mạng người bệnh, vì vậy không thể coi dịch vụ y tế là một dịch vụ thông thường như các dịch vụ khác. Trong ngành Y, đòi hỏi người thầy thuốc vừa có tâm, vừa có tài, trong đó cái tâm là quan trọng hàng đầu. Không có cái tâm tốt, không biết biết yêu thương con người thì không thể làm thầy thuốc được, dù người ấy có tài giỏi đến đâu đi nữa.

Bài học y đức từ người thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông cách nay trên 200 năm đã ghi lại những câu chuyện mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị về tấm lòng yêu thương và có trách nhiệm của người thầy thuốc. Ông kể một lần, có hai người đến cầu cứu ông cùng một lúc, một người nghèo ở gần và một người giàu ở xa. Ai cũng cho rằng người nhà mình bệnh nặng mong ông đến trước cứu giúp. Nghèo cũng là một mạng người, giàu cũng là một mạng người. Trước cái chết, ai cũng như ai. Và ông xử sự công bằng, ông ghé qua nhà người nghèo trước, bắt mạch và xem sắc mặt, biết sẽ không đến nỗi nào, ông cho thuốc uống rồi bảo hãy đợi ông về. Ông lại vượt đường xa cách trở để đến với người bệnh nhà giàu. Lúc đến nơi, người bệnh đang mong manh mạng sống… Ông nhanh tay, thức trắng đêm bốc thuốc. Sau 3 ngày đêm, ông cùng các môn đồ cứu được một mạng người qua cơn nguy kịch. Người nhà mang lễ vật để tạ ơn, ông một mực từ chối, rồi ông tất tả quay trở lại với người bệnh nghèo… Ông không bỏ sót ai trong cơn hoạn nạn!

Tấm lòng của người thầy thuốc

Hải Thượng Lãn Ông đã viết: “Thói thường của người thầy thuốc, chữa được một bệnh thì thời vỗ ngực khoe khoang, nếu bệnh nhân chết thì giấu kín không dám nói ra… Ai biết thì bảo là do trời định… Như tôi thời khác hẳn, sống trong trời đất sao không xấu hổ với nhân thuật mà bỏ ngoài tai sự khen chê, gặp bệnh nhân nhà quyền quý, tôi không hám danh lợi, mà nhà bần tiện cũng không dám coi thường. Chỉ nghĩ những bệnh nhân như ở tay mình, những bệnh nặng tôi cứu sống được không biết bao nhiêu người, mà thúc thủ không chữa được cũng không phải là ít”.

Đọc cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của Sara Imas, thấy chuyện một bác sĩ ở Tel Aviv (Isael) khuyên đứa con trai muốn thi vào đại học y. Ông khuyên rằng phải suy nghĩ lại nếu muốn vào nghề y vì mục đích kiếm tiền. Bởi như vậy, khó trở thành bác sĩ giỏi và sẽ có ngày phải hối hận. Vào nghề y phải có lý tưởng chân chính chữa bệnh cứu người, không phân biệt người bệnh giàu hay nghèo, chứ không phải vì kiếm tiền.

Như vậy từ xa xưa, ở bất cứ đâu, y đức luôn chú trọng đến sự công bằng, không phân biệt đối xử đối với người bệnh. Ngày nay, có một số ít thầy thuốc vì ham danh lợi mà làm tổn hại đến sức khỏe và tinh thần người bệnh, như: nhận phong bì của người bệnh, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi trên tính mạng của người bệnh, làm tổn hại đến danh dự của những người thầy thuốc chân chính. Để khắc phục tình trạng trên, người thầy thuốc phải nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh, điều cốt lõi nhất của y đức vẫn là sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

Y đức đạo lý
Diễn đàn Y đức Đạo lý
(cập nhật liên tục)
Xem toàn bộ bài diễn đàn Y đức Đạo lý
  • diễn đàn y đức đạo lý
  • Là bác sĩ

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]