Không tự điều trị khi trẻ ốm

GiadinhNet - Theo BS Cấn Phú Nhuận – Trưởng khoa Khám BV Nhi TƯ, thời gian qua có nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch chỉ vì cha mẹ tự ý điều trị ở nhà.

15.5971

Uống thuốc phải có chỉ định

BS Phú Nhuận cho biết, nhiều ông bố bà mẹ hễ thấy con sốt thì ra hiệu thuốc mua ngay vỉ Paracetamol về cho uống. Cứ một tiếng đồng hồ lại cho uống một lần, trong khi chỉ định của bác sĩ phải 6 tiếng mới uống một lần, khiến trẻ bị ngộ độc, dẫn tới suy gan, hôn mê. Nhiều bệnh nhân tiêu chảy càng nặng thêm khi người nhà tự điều trị không theo liều lượng hay chỉ dẫn của bác sĩ. Hay người nhà tự đưa trẻ ra phòng mạch tư để truyền nước khi bị sốt dẫn tới trẻ bị sốc.
 

Trẻ đến khám tại BV Nhi TƯ tăng đột biến do thời tiết nắng nóng (chụp chiều 20/5) (Ảnh: CH).

Theo BS Nhuận, khi cho trẻ uống thuốc nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ. Nhiều trường hợp đưa con đến khám một lần, lần sau con ốm lại lấy ngay đơn thuốc cũ. Dùng thuốc kháng sinh bừa bãi sẽ dẫn đến nhờn thuốc, kháng thuốc, khó điều trị cho lần sau.

BS Nhuận cho biết thêm, mùa nóng, nhiệt độ tăng - giảm thất thường dẫn đến nhiều bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp như: Tai, mũi họng, khí quản, phế quản, phổi và các bệnh về do tiêu hóa, do vi trùng như viêm màng não, viêm não. Nếu không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trẻ dễ bị bệnh về tiêu hóa, chán ăn, bỏ ăn, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, quấy khóc nhiều. Đây cũng là mùa côn trùng phát triển, mầm bệnh, vi khuẩn nhiều nên trẻ cũng dễ bị bệnh ngoài da, sốt xuất huyết.

Sai lầm khi bố mẹ thiếu quan sát bệnh

Trong đợt nóng kéo dài, mỗi ngày BV Nhi TƯ tiếp nhận từ 2.000 – 2.500 lượt trẻ đến khám. Chủ yếu các bệnh trẻ em trong mùa hè đều liên quan đến hô hấp, tiêu chảy và sốt phát ban.
BS Phú Nhuận chia sẻ, có nhiều ông bố, bà mẹ ở thành phố thiếu chủ động trong cách chăm sóc con. Khi con ốm, con mệt chỉ biết ôm con đến bệnh viện, ít khi chủ động đi tìm nguyên nhân vì sao con mình sốt, ho hay tiêu chảy. Con bị ốm, cha mẹ phải đặt câu hỏi: Con mình hôm nay chơi ở đâu, ăn những gì, có tiếp xúc gì không, ăn uống bừa bãi không. Nếu cha mẹ biết xử lý thông tin ban đầu sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc con, tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh. Những thông tin đó cung cấp cho bác sĩ, cũng sẽ tốt hơn trong quá trình khám, chữa bệnh.

BS Nhuận kể rằng, nhiều trường hợp trẻ mẫu giáo ra khỏi cổng trường thì kêu đau bụng, bụng cứng, khóc nhiều, cha mẹ liền đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhìn qua, BS Nhuận bảo “anh chị ra ngoài kia cho cháu đi tiểu đi rồi vào tôi khám cho”. Bố mẹ cháu rất khó chịu, cho rằng “bác sĩ quan liêu, trong lúc nước sôi lửa bỏng mà không vội khám cho cháu”. Tuy nhiên, sau khi đi tiểu xong, bác sĩ hỏi “cháu còn đau bụng không?” cháu lắc đầu “cháu hết đau rồi ạ”. Bác sĩ bảo bố mẹ hãy tự khám, sờ vào bụng xem còn cứng không? Họ ngạc nhiên nói “mềm rồi bác sĩ ạ”. Nguyên nhân đau bụng của cháu chỉ là “bí tiểu” nhưng cha mẹ đã không để ý. “Nếu như gặp phải những bác sĩ chưa có kinh nghiệm, họ có thể sẽ nhầm là viêm phúc mạc, chỉ định mổ cấp cứu hoặc làm một lô xét nghiệm vô ích” – BS Nhuận nói.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ trong mùa hè

- Tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Các đồ chơi cần được vệ sinh thường xuyên.

- Nắng mùa hè từ 7h đến 9h rất tốt cho trẻ.

- Điều hòa nhiệt độ nên để 25 độ C, không để trẻ bị lạnh bụng.

- Cho trẻ uống đủ nước.

- Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi sốt cao không hạ, ói nhiều, không thể ăn uống, mắt trũng sâu, co giật, thở mệt, tiêu phân có máu, chảy mủ tai...

BS Hoàng Minh Thu
Trưởng khoa Khám bệnh Nhi, BV Xanh Pôn
 
Hoài Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]