Khu nông nghiệp công nghệ cao: Sức bật cho nền nông nghiệp đô thị

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã từng bước chứng minh được vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp đô thị của thành phố. Để làm được điều đó, không thể không kể đến sự đóng góp của TS. Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

0

Người ươm mầm các phong trào khoa học

Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học, trường  Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 1997, TS Đinh Minh Hiệp về làm việc tại Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, trực thuộc Thành đoàn TP.HCM.

“Ngày đó, phong trào NCKH còn hạn chế lắm, không phải như bây giờ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hỗ trợ không nhiều, nhiều bạn sinh viên, học sinh có ý tưởng nhưng không thể làm gì nhiều được. Thế nên, ngay khi về trung tâm, mình đã tham gia quản lý chương trình vườn ươm sáng tạo KHCN trẻ ngay từ những năm đầu phối hợp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện. Rất vui là cho đến nay, đây chính là nơi ươm mầm cho rất nhiều nhà khoa học với những đề tài giúp ích cho cuộc  sống”, TS. Đinh Minh Hiệp chia sẻ.

Cùng với Chương trình Vườn ươm sáng tạo KH&CN trẻ, anh cũng là một trong những người đặt nền móng cho Giải thưởng sinh viên NCKH Eureka dành cho các bạn sinh viên - Đại học – Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau 17 năm tổ chức, Giải thưởng Eureka đã trở thành một sân chơi bổ ích, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Với cái tâm của một người làm khoa học, cuối năm 2000, anh chuyển về làm việc tại phòng Quản lý khoa học, trực thuộc Sở KHCN TP.HCM. Năm 2014, anh được điều động công tác tại Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) khi mới bước qua tuổi 40, trở thành một trong những vị lãnh đạo trẻ của thành phố.

TS. Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM

Làm tốt vai trò kết nối nông nghiệp và công nghệ

Ra đời từ năm 2004, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM được kỳ vọng là nơi thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần hình thành  nền nông nghiệp đô thị̣, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.

“Nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, không giống với các ngành công nghiệp hay dịch vụ khi phải gắn liền với các điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng... thuận lợi cho việc trồng trọt hoặc chăn nuôi. Do đó, chiến lược của TP.HCM là tập trung phát triển các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại các huyện ngoại thành tùy thuộc vào điều kiện địa lý của từng vùng”, TS. Hiệp nói.

Hiện tại, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã tiếp nhận một khu đất 90 ha ở huyện Cần Giờ để triển khai nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn công nghệ cao, chuẩn bị đầu tư một khu đất 170 ha ở huyện Bình Chánh để xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành chăn nuôi, đồng thời cũng tiếp nhận 23 ha ở huyện Củ Chi để mở rộng quy mô hiện tại.

Bên cạnh tạo cầu nối với doanh nghiệp, Khu Nông nghiệp công nghệ cao còn gắn liền với hoạt động sản xuất của hộ nông dân, các trang trại, hợp tác xã... nên vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, vừa nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng mới, đạt hiệu quả cao để chuyển giao cho mọi đối tượng.

Trong đó, nghiên cứu ứng dụng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cốt  lõi trong toàn bộ hoạt động của Khu. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, hơn 20 mô hình sản xuất đã được chuyển giao cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, mô hình trồng rau quả trên giá thể sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt...

Với chủ trương xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sao cho người nông dân có thể làm lợi và sống tốt trên mảnh đất của mình, từ đó tạo thành những mảng xanh trong lòng TP thay vì chỉ tập trung vào mang đất đi cho thuê, xây nhà trọ, làm dịch vụ... nhiệm vụ của Khu Nông nghiệp công nghệ cao đang ngày một quan trọng hơn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM

Liên kết để phát huy lợi thế

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, việc hợp tác quốc tế và liên kết giữa các Khu Nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước cũng đã được Khu Nông nghiệp công nghệ cao chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

“TP.HCM là nơi có công nghệ, có nguồn lực tài chính, có nhân lực chất lượng cao nhưng lại hạn chế về điều kiện đất đai. Trong khi các tỉnh thành khác thì ngược lại, họ có quỹ đất rất dồi dào nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nhân lực khoa học. Thế yếu của mình là thế mạnh của người ta và ngược lại, vậy tại sao chúng ta không tạo thành sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển”. Để trả lời câu hỏi đó, câu lạc bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được ra đời, với thành viên là hầu hết các Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở các tỉnh thành phía Nam.

Từ sự hợp tác, trao đổi này, các Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã cùng nhau tạo thành những chuỗi cung ứng sản phẩm, bao gồm đơn vị cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, nơi sản xuất cho đến đầu ra bao tiêu sản phẩm. “Mục tiêu chính của sự hợp tác này là tránh cho việc sản xuất nông nghiệp bị trùng lắp về sản phẩm và khai thác thế mạnh của mỗi địa phương, giúp cho đầu ra của sản phẩm không bị thiếu hụt hay thừa mứa, nâng cao chất lượng và sản lượng nông thủy sản nhờ tác động của công nghệ cao. Từ đó, nông dân sẽ không lâm vào cảnh được mùa thì mất giá hay được giá thì mất mùa”.

Bên cạnh việc liên kết trong nước, hoạt động hợp tác quốc tế cũng được Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đẩy mạnh. Nhiều công nghệ, mô hình sản xuất mới, đạt hiệu quả cao trên thế giới đã được tiếp nhận và vận dụng phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Tháng 4/2014, dự án chuyển giao công nghệ “xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp để làm ra phân hữu cơ vi sinh” đã được Khu ký kết hợp tác với JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Công ty Syudensia. Khi công nghệ này được sử dụng rộng rãi, sẽ tạo thành một  vòng tuần hoàn khép kín trong hoạt động nông nghiệp, góp phần đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Khu cũng hợp tác với tổ chức MASHAV (Israel) và tổ chức PUM (Hà Lan) để thực hiện những khóa đào tạo ngắn hạn với sự giảng dạy của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang làm việc trong và ngoài Khu.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]