Người dân Việt nam từ bao đời nay, luôn có truyền thống tưởng nhớ đến những người hy sinh cho tổ quốc. Buổi giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma diễn ra tại Đà Nẵng ngày 13.3 là một hình thức tưởng niệm, tri ân.

Xương thịt của những người anh hùng hòa cùng biển khơi, còn vong linh của họ hòa vào hồn thiêng sông núi. Họ là những người đã viết thêm vào lịch sử dân tộc một trang viết bằng máu của chính mình, họ xứng đáng có một vị trí lẫm liệt trong trang hồng sử đó. Nhân kỷ niệm 26 năm sự kiện Gạc Ma, xin nghiêng mình tưởng nhớ những người anh hùng bằng tất cả tấm lòng thành.

Những người hy sinh là anh hùng, những người sống sót trở về cũng anh hùng. Khi chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” phát động, lập tức có nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ, đó là một sự chứng nhận của tổ quốc và nhân dân đối với những người đã đổ máu vệ quốc và đối với lịch sử. Sự đóng góp, chia sẻ đến từ khắp nơi trong cả nước không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là một niềm động viên tinh thần lớn lao đối với thân nhân của những người đã hy sinh. Và cao hơn, là củng cố thêm niềm tin vào tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam.

Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” và giao lưu đã mở đầu bằng những giọt nước mắt đầy xúc động và kết thúc cũng chan hòa trong nước mắt. Đó không phải là nước mắt buồn đau bi lụy, mà là những giọt nước mắt tin yêu, cảm thông, hòa hợp.

Những giọt nước mắt đó đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng, sự kiện lịch sử đảo đá Gạc Ma là một khúc tráng ca không phải chỉ cất lên trong những ngày kỷ niệm, mà phải được ghi nhớ trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Đất nước còn có nhiều biển đảo, nhiều ngư trường bị ngoại bang lăm le xâm phạm. Phải có tinh thần bất khuất của những người lính đã hy sinh bảo vệ biển đảo năm xưa để bảo vệ biển đảo hôm nay.