Khuyên nhủ cũng cần đúng cách

15.5985

Có một thầy giáo nọ trời rét buốt bị nhức xương đi lại khó khăn liền nhờ người con đưa đi làm. Cậu thanh niên mười sáu tuổi chở người cha đến chỗ làm và hẹn ông bốn giờ chiều sẽ đón. Trên đường đi đổ xăng, anh ta nghĩ thời gian còn nhiều nên quyết định đi xem phim. Xem xong bộ phim thì đã muộn một tiếng, người thanh niên rất lo sợ và quyết định nói dối là hỏng xe.

Gặp cha anh ta liền nói "Cha à! Xe con vừa hỏng nên con mới đến muộn như vậy". Người cha buồn rầu nói "Sao con lại nói dối cha". Người con vẫn bao biện "Con nói thật mà, xe con hỏng thật". Người cha liền nói "Cha gọi điện đến cây xăng rồi, họ nói với cha xe con để ở đó suốt cả ngày". Rồi lại nói tiếp "Cha rất buồn, cha luôn dạy con phải trung thực mà giờ con còn nói dối cả cha. Là lỗi của ta không dạy con không tốt, ta phải tự kiểm điểm mình. Đoạn đường này cha phải tự mình đi về".

Đoạn đường dài khoảng bảy cây số, trời đông rét buốt người cha tập tễnh đi trước, người con chầm chậm đi sau. Người con đó nói rằng, đây là đoạn đường dài nhất cuộc đời và cũng là dằn vặt nhất trong đời anh ta. Từ đó về sau đến lúc người thầy giáo mất thì con ông ta cũng không dám nói dối dù chỉ một lần.

Khuyên bảo một người không phải là dễ, phải rất có trình độ. Khi mà bạn khuyên bảo một người, thì người đó có lập tức sửa chữa sai lầm không. Gần như rất hiếm ai được khuyên răn mà làm đúng ngay được. Hành vi của mọi người đều do thói quen mà thành. Lớp băng đóng dày ba phân không chỉ nhờ một ngày rét buốt, mà phải do nhiều ngày tạo thành. Bạn cũng vậy, muốn người ta tốt phải từ từ, nhẫn nhịn mới tan chảy băng được.

Khuyên nhủ cần chân thành

Khi bắt đầu khuyên nhủ người bên cạnh mình, nhất định phải có lòng tốt với đối phương chứ không nên có thái độ chế ngự hay bắt buộc theo kiểu "Anh phải nghe tôi, không nghe tôi là không được!". Nếu chúng ta cứ giữ thái độ cứng nhắc thiếu sự mềm mỏng dễ dẫn đến phản tác dụng.

Ai cũng có lòng tự trọng và không muốn bị người khác vạch ra cái sai của mình, nhất là khi bị khuyên với thái độ quá căng thẳng thì cũng sẽ phản ứng lại với thái độ hơn thế. Chúng ta cần phải tích lũy kinh nghiệm, không được để đối phương bẽ mặt, dẫn đến tức giận gây xung đột.

Cần phải luôn nhớ mục đích ban đầu của mình là muốn họ tốt lên. Khi tấm lòng chân thành, kiên định thì họ sẽ tự nhiên điều chỉnh được phương pháp và thái độ của mình.

Khuyên nhủ cần thời cơ

Khen ngợi ưu điểm, việc tốt người khác thì nên khen ở nơi đông người. Khen họ như vậy thì họ lại càng tự hào, tự tin mà làm được nhiều việc tốt hơn. Thế khi nào thì nên khuyên nhủ người khác? Chỉ nên khuyên nhủ khi có hai người. Khuyên nhủ, khuyên bảo lỗi lầm người khác chỉ nên cho mình họ biết không nên có người thứ ba. Bởi có người thứ ba thì việc nhận lỗi sẽ khó khăn hơn. Khi mà đã không muốn nhận lỗi thì sự tiếp thu cũng từ đó mà giảm sút.

Chọn địa điểm, tâm trạng để khuyên bảo cũng rất quan trọng. Tùy từng việc, từng người mà hãy quyết định lúc và nơi để khuyên. Khuyên nhủ phải vào lúc đối phương có tâm trạng tốt thì họ mới tiếp thu được.

Khuyên nhủ cần thái độ và phương pháp

Khi muốn khuyên nhủ, với mỗi đối tượng chúng ta cần sử dụng thái độ và phương pháp khác nhau. Lúc cần mạnh bạo, lúc lại vui vẻ khiêm nhường. Với sếp hoặc những người lớn tuổi hơn nên nói với giọng điệu vui vẻ, khéo léo. Với con cái đôi khi phải cứng rắn, răn dạy nhưng có lúc phải mềm dẻo, tình cảm. Với anh em, bạn bè phải thân mật, ân cần nhưng cũng có lúc phải thẳng thắn để chỉ ra cái sai cho họ. Chúng ta cần phải tự nâng cao trình độ kiến thức của mình và phải suy nghĩ thật kĩ càng mới khuyên người khác. Xưa có câu "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" thì nay xin tặng các bạn một câu "Suy nghĩ chín lần trước khi khuyên bảo".

Khuyên nhủ cần kiên nhẫn

Sự kiên nhẫn trong khuyên nhủ là gì? Là khuyên từ lòng hiếu thảo, lòng hữu ái, lòng tận trung và hết lòng làm tròn trách nhiệm, nhất nhất phải làm được mới thôi. Giang sơn dễ đổi bản tính khó rời, không ai có thể nhanh nhanh chóng chóng sửa ngay tính xấu. Nếu chúng ta có sự chân thành và kiên nhẫn thì tự khắc người ta cảm động mà hồi tâm chuyển ý. Để họ phải tin tưởng mình rồi thì khuyên họ mới thành công. Hướng thiện, dạy tốt một người không chỉ là ngày một ngày hai.

Hàn Dương

Theo Trí Thức Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]