Kịch 'Họa hồn' không dành cho người yếu tim

Nhà hát Thế giới trẻ TP HCM ra mắt vở kịch nói về cuộc đời bi thảm của nhóm trẻ mồ côi bị ngược đãi. Với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và thiết kế sân khấu khá ấn tượng, kịch có nhiều cảnh làm thót tim khán giả.

15.5996

Vở Họa hồn mang hơi hướm của kịch trinh thám, hình sự. Ngay từ đầu, người xem đã cảm thấy "ớn lạnh" với bối cảnh phòng thờ trong một biệt thự. Bà Sương, một bà già nổi tiếng với thành tích làm từ thiện, run rẩy ăn năn, sám hối lần tràng hạt trước bàn thờ, bất ngờ bị một "bóng ma" bí ẩn siết cổ đến chết. Án mạng kinh hoàng xảy ra ngay từ màn đầu tiên.

Những bức tranh bí ẩn xuất hiện trong ngôi biệt thự cổ là manh mối để lần ra tung tích kẻ gây án. Ảnh: Thoại Hà.

* Ảnh:

Một vài sự trùng hợp kỳ bí bất ngờ xảy ra khi những bức tranh miêu tả vụ án mạng xuất hiện ở nhà họa sĩ Hoàng. Hoàng là một chàng trai trẻ tật nguyền, nho nhã. Sau thời gian du học và làm việc ở Pháp, anh trở về nước chuẩn bị kết hôn với bạn gái. Từ các bức tranh này, Hoàng bị tình nghi liên quan đến vụ án.

Vẻ ngoài yếu ớt, hiền lành bảo vệ Hoàng nhưng việc những bức tranh thể hiện chính xác hiện trường vụ án cứ liên tiếp xuất hiện tại nhà anh khiến chàng họa sĩ trẻ rơi vào tuyệt vọng, hoang mang vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người xung quanh cho rằng anh bị các hồn ma mượn xác tố cáo tội ác, hoặc anh bị kẻ xấu hãm hại.

"Họa hồn" mang không khí ma quái. Phần đầu kịch có tiết tấu nhanh, lôi cuốn, tuy vậy, phần cuối còn dàn trải, mang đôi chút khiên cưỡng khiến khán giả tiếc nuối. Có ý kiến cho rằng, nếu kịch kết nhanh gọn, cô đọng hơn sẽ thực sự hấp dẫn. Ảnh: Minh Hoàng.

Vì sao trong một trại mồ côi cũ lại có những bộ xương khô của đứa trẻ? Vì sao bà vú già của Hoàng lại hoang mang, sợ sệt đến nỗi phải lên chùa để xin lá bùa hộ mệnh về đeo phòng thân? Bùi Quốc Bảo, tác giả của Họa hồn đồng thời là đạo diễn vở kịch, đã xây dựng kịch bản khá chặt chẽ với các tình tiết lôi cuốn khán giả khám phá các lớp của vở diễn, để xem rốt cuộc ai là hung thủ gây ra hàng loạt án mạng sau cái chết của bà Sương.

Hơn nửa phần đầu, kịch hấp dẫn người xem với những nút thắt đan cài. Đạo diễn tận dụng hiệu ứng của ánh sáng, hình ảnh, âm nhạc trên nền sân khấu được thiết kế mang đậm nét liêu trai, kỳ bí, rùng rợn. Thêm vào đó, kết cấu của sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ là sân khấu tròn, có thể quay vòng nên dễ dàng trong việc chuyển cảnh hiện tại - quá khứ, làm các tình huống kịch xen vào nhau nhịp nhàng, tạo hiệu ứng mạnh. Ở suất chiếu đầu, mỗi lần kịch chuyển đến cảnh bóng ma hoặc án mạng, rất nhiều khán giả ngồi dưới hít hà, có người lấy tay che mắt, và không ít người hét lên kinh hãi.

Đạo diễn Quốc Bảo cho biết, sau buổi chiếu ra mắt vào ngày 25/8, đón nhận ý kiến đóng góp của khán giả, anh sẽ điều chỉnh để kịch được súc tích hơn. Kịch diễn tại sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ, TP HCM. Ảnh: Minh Hoàng.

Trong Họa hồn, ngoài Ngọc Trinh của "Mùi ngò gai", Tiểu Bảo Quốc, Hữu Tiến là các diễn viên nhiều kinh nghiệm trên sàn diễn, còn lại, diễn viên Quang Tuấn, Hoàng Phi, Thu Trang, Thanh Hiền, Lê Bửu Đa, La Thành, Hồng Trang... là những tên tuổi còn khá mới mẻ. Tuy vậy, họ tạo thành êkíp diễn xuất ăn ý. Nhất là Thu Trang, với khả năng diễn hài duyên dáng, cô khiến Họa hồn giảm đi cảm giác nặng nề khi mang đến tiếng cười rộn rã qua vai nữ ký giả Bông Súng Tím.

Khoảng cuối năm 2006, sân khấu Phú Nhuận của "bầu" Hồng Vân ra mắt kịch kinh dị Người vợ ma với dàn diễn viên Thái Hòa, Thanh Vân, Kim Huyền... gây cơn sốt vé. Từ đó, vài sân khấu tại Sài Gòn liên tục khai thác dòng "kịch ma" với nhiều đề tài đa dạng.

Sau Người vợ ma, sân khấu Phú Nhuận liên tiếp ra mắt các vở như: Căn phòng 404, Sám hối, Quả tim máu, Ngôi nhà hoang (Người vợ ma, phần 2), Giếng lạ, Oan gia... Dù không tạo đột phá bằng Người vợ ma 1, các vở diễn khai thác yếu tố rùng rợn, kỳ bí này luôn hấp dẫn và kéo khán giả đến rạp.

Họa hồn không phải là kịch kinh dị đầu tiên của Nhà hát Thế giới trẻ. Trước đó, sân khấu này có các vở kinh dị hút khách như: Điện thoại nửa đêm, Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Tử thi không đầu... Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hùng, chủ nhiệm Nhà hát Thế giới trẻ cho biết, hiệu quả kinh doanh của các kịch này khá tốt. "Tuy vậy, một vở kịch kinh dị thành công và trụ được lâu dài trên sân khấu không phải nhờ các cách hù dọa, nhát ma khán giả, mà phải làm sao, sau những căng thẳng, kịch chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, cảnh tỉnh người xem trước các vấn nạn", anh Ngọc Hùng chia sẻ.  

Gần đây, diễn viên Gia Bảo công bố kế hoạch dựng vở kịch  trên sân khấu Idecaf. Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu cho biết, điểm diễn này lần đầu tiên thử nghiệm dòng kịch kinh dị không phải là để ăn theo xu hướng hút khách hiện nay mà nhằm tạo cơ hội để người trẻ có chỗ thể hiện sự sáng tạo. "Mặt khác, đây là dịp để đo thử mức độ hưởng ứng của khán giả. Nếu được ủng hộ, Idecaf mới tiếp tục với thể loại kịch này", ông Tuấn nói.

Thoại Hà

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]