Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Ngọc Hà, hàng ngày anh Tâm vẫn cặm cụi tô vẽ “trang điểm” cho hàng trăm chiếc chai lọ phế liệu.
 Hàng ngàn chiếc chai lọ tưởng chừng như bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của anh Tâm trở nên sinh động và bắt mắt hơn.
 Khắp ngôi nhà anh, chỗ nào cũng tập kết chai lọ phế liệu. Anh Tâm chia sẻ: “Tình cờ một lần vợ chồng tôi đi hội chợ đồ cũ, thấy những chiếc chai lọ được người ta chế tạo rất hay nên khi về nhà tôi cũng nảy sinh ý tưởng tái tạo lại những chiếc chai lọ ấy”.
 Bắt tay vào làm thử, những sản phẩm đầu tiên ra đời được nhiều người yêu thích nên các đơn đặt hàng nhanh chóng đến với anh. Đã từng làm qua nghề chế tác đá quý nên anh Tâm tỏ ra rất thành thạo trong việc cắt tạo hình cho những chiếc chai lọ. 
 Theo anh Tâm thì cắt tạo hình chai lọ khó hơn cắt đá quý vì chúng được làm bằng thủy tinh mỏng và dễ vỡ.
 Những chiếc chai lọ sau khi cắt tạo hình xong được mang đi đánh giấy giáp cho nhẵn mịn trước khi mang đi tô màu.
 Do từng tốt nghiệp trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội nên với năng khiếu hội họa của mình, anh Tâm đã biến những chiếc chai lọ trở nên sống động hơn rất nhiều sau khi tạo hình và tô màu.
 Những hộp màu anh sử dụng là màu chuyên vẽ cho kính nhờ bạn bè mua từ  nước ngoài về. 
 Những họa tiết được làm rất công phu và tỉ mỉ. Để hoàn thành mỗi sản phẩm, anh Tâm phải mất từ 1-2 tiếng đồng hồ.
 Hiện sản phẩm của anh Tâm đã được bán rộng rãi nhiều nơi trong cả nước. Nhiều khách hàng từ Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa…đã tìm đến và đặt hàng của gia đình anh.
 Anh Tâm cho biết, khách hàng của gia đình anh chủ yếu là những cửa hàng cà phê, nội thất nhà hàng…
 Giá bán của những chiếc chai lọ sau khi hoàn thành từ vài chục đến hàng trăm ngàn. Trong ảnh là chiếc bình được chế tác công phu và tô màu tỉ mỉ từ chai rượu Hennessy với giá bán 500.000 đồng trong xưởng của anh Tâm.
 Chia sẻ ý định sắp tới, anh Tâm cho biết, nếu hàng bán chạy, anh sẽ mở rộng quy mô của xưởng và nhận thêm những trẻ em lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật vào dạy nghề và làm việc.
 Triệu Quang