Một giám đốc nhân sự lâu năm của một tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam than phiền về chất lượng nhân sự đầu vào là đa số sinh viên (SV) các ngành tốt nghiệp ĐH trong nước nhưng bà khẳng định “trừ SV ngành kiến trúc”. Nguồn nhân lực ngành kiến trúc Việt có thực sự giỏi? Kiến trúc sư (KTS) hôm nay có bắt kịp xu hướng kiến trúc của thời đại và của thế giới?

Tư duy sáng tạo của SV kiến trúc Việt hơn hẳn các nước

. Phóng viên: Theo ông, chất lượng đào tạo ngành kiến trúc có phải là ngoại lệ của giáo dục Việt Nam?


+ KTS Trần Đình Nam: Có lẽ so với các ĐH khác, ĐH Kiến trúc có phần lớn các môn học thiên về thực hành nhiều hơn, đòi hỏi nhiều ở SV về tính năng động và sự sáng tạo. Cái giỏi của SV kiến trúc ở đây chính là tính thực tế, sự năng động và khả năng thích nghi chứ không hẳn là về kiến thức. Tôi chứng kiến SV ngành kiến trúc khi ra trường thường có khả năng thích ứng với môi trường rất tốt. Cho dù có nhiều trường hợp không tìm được việc tương xứng với ngành mình đã học, các SV ấy cũng tự tìm được cho mình việc làm khác hay thậm chí có thể tự tạo ra công việc cho mình, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thiết kế mà còn lấn cả qua sân chơi của kinh doanh và marketing.

. Nếu đem so sánh với SV kiến trúc ở các nước phát triển thì SV Việt Nam có gì, thưa ông?

+ Tôi cũng đã từng được học ở nước ngoài, có những môn học tôi đã đem về áp dụng trong giáo trình giảng dạy cho SV thì tôi thấy khả năng tiếp thu và tư duy sáng tạo của SV Việt Nam không thua gì SV các nước, thậm chí có thể nhích hơn hẳn.

. Họ có những mặt hạn chế nhất định nào đó không, thưa ông?

+ Một số bạn vẫn còn bị suy nghĩ quan trọng hóa sự đúng sai trong thực hành dẫn đến sự thụ động và tự kỷ. Số này không có được một lập luận có lý cho một vấn đề, thường đặt ra vấn đề rất ghê gớm rồi sau đó buông xuôi, không giải quyết vấn đề, không kết luận. Cái này là do ảnh hưởng rất lớn kiểu dạy giáo điều rất lạc hậu ở cấp bậc phổ thông, làm cái gì cũng phải theo mẫu có sẵn.

Đồ án thiết kế sân bay Long Thành được đánh giá xuất sắc của sinh viên kiến trúc.

Càng phát triển càng phải giữ gìn hồn kiến trúc truyền thống

. Theo ông, kiến trúc thời nay đòi hỏi gì?

+ Kiến trúc ngày nay luôn đòi hỏi sự khác biệt khi nó được thực hiện ở từng địa phương. Ngoài việc nó phải có sự khác biệt do các giải pháp kiến trúc đáp ứng yêu cầu của từng vùng khí hậu thì kiến trúc còn phải có sự khác biệt khi thể hiện nét đặc trưng của sinh hoạt văn hóa thể hiện qua thói quen, lối sống và thị hiếu thẩm mỹ của từng vùng miền. Những thứ đã có sẵn in sâu vào thói quen, lối sống đã tạo ra hình ảnh đặc trưng của từng vùng miền rồi thì phải được giữ gìn và tôn tạo.

. Ông nghĩ đâu là điểm đáng lưu ý nhất trong sự phát triển của kiến trúc đương đại?

+ Những tiêu chí của kiến trúc hôm nay trên thế giới là bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và thể hiện bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, cái khó thực hiện nhất lại là sự hiểu biết về bản sắc văn hóa của chính đất nước mình, của chính địa phương mình.

. Có phải chính vì vậy mà ông thường ra các đề bài cho SV của mình gắn với các công trình kiến trúc cổ của đất nước, như đề bài cảm nhận không gian kiến trúc cổ ở Đà Lạt và TP.HCM?

+ Thông qua các bài tập, tôi muốn hướng các em đến mỹ thuật kiến trúc bằng cảm xúc thật nhiều hơn là kiến thức chuyên môn. Các em trải nghiệm cái đẹp của kiến trúc thông qua ánh sáng, đường nét, vật liệu, các chi tiết, sắp đặt không gian của công trình kiến trúc... Hiện nay nhà trường muốn SV hướng về kiến trúc địa phương nhiều hơn, chú trọng bản sắc kiến trúc truyền thống. Như tôi vừa nói, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Các em đọc rất nhiều sách, hiểu về kiến trúc nước ngoài nhưng kiến trúc của nước mình thì hiểu biết lại chẳng bao nhiêu.

Nhiều đồ án giành giải quốc tế

. Đào tạo nhân lực cho ngành kiến trúc tại Việt Nam hiện nay có bắt kịp sự phát triển của thời đại và các xu hướng của kiến trúc thế giới chưa, thưa ông?

+ Các giảng viên của trường đang cố gắng thực hiện điều này mặc dù hiện nay có nhiều khó khăn do việc khác nhau về quan điểm. Tuy nhiên, việc cập nhật những thông tin mới luôn được chú trọng đặc biệt. Không nhiều nhưng cũng có những đồ án tham gia các cuộc thi quốc tế và đoạt giải do phù hợp với những yêu cầu về xu hướng phát triển của kiến trúc thế giới. Ví dụ, cuộc thi WAF ba năm liền 2012, 2013, 2014 SV ĐH Kiến trúc TP.HCM đều có phương án lọt vào tốp 10 chung kết và năm vừa rồi còn nhận được giải nhất!

. Vậy còn điều kiện con người, vật chất để giảng dạy và thực hành của ngành kiến trúc trong nước, ông nhận thấy có gì thua thiệt hơn so với thế giới?

+ Học phí của SV và thù lao cho giảng viên thì quá khiêm tốn so với các trường kiến trúc ở các nước phát triển và đương nhiên sẽ dẫn đến cơ sở vật chất và các trang thiết bị thì không thể bằng các trường ấy rồi. Còn vấn đề tư liệu tham khảo thì giáo viên và SV chúng tôi vẫn có thể chủ động tìm kiếm và cập nhật từ nhiều nguồn nhờ vào sự phát triển của Internet.

. Ông từng nói về nỗi đau đáu của ông trước thực tế SV ĐH Kiến trúc tốt nghiệp nhưng không được các cơ quan nhà nước trọng dụng. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Nhân tài của đất nước không thiếu, vấn đề là việc phát hiện, nuôi dưỡng và trọng dụng họ để xây dựng đất nước gặp phải quá nhiều chướng ngại vật bởi những kẻ tư lợi và cơ hội. Vấn đề này không phải chỉ có ở ngành kiến trúc.

. Xin cám ơn ông.

Có những đồ án xuất sắc không KTS nước ngoài nào làm được!


KTS Trần Đình Nam cho rằng nhiều đồ án tốt nghiệp của SV kiến trúc hay sản phẩm của họ trong các cuộc thi thiết kế đều rất sáng tạo, chuyên nghiệp, có thể đưa vào thi công mà không cần phải mời KTS nước ngoài. Ông nói: “Ưu điểm lớn nhất, đương nhiên đó là sản phẩm do chính người Việt tạo ra. Nó có rất nhiều thứ phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt, phong tục tập quán Việt mà không thể có một công ty thiết kế nước ngoài hay KTS nước ngoài nào có thể hiểu, có thể đưa ra được những ý tưởng như vậy. Nó còn đại diện cho những ước mơ, cho tương lai của đất nước vì nó được nghĩ ra từ những con người rất trẻ. Cái thiếu của những người tạo ra đồ án này chính là kinh nghiệm thực tế và sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức công việc tiếp theo. Cái thiếu này vẫn có thể được hỗ trợ bằng sự cộng tác với các đơn vị chuyên nghiệp quốc tế”.

MỸ DUYÊN thực hiện

Video đang được xem nhiều