Kiến trúc xanh: Cần thiết nhưng đừng nóng vội

0
Ấn tượng làm tôi nhớ mãi hình ảnh Sài Gòn hồi tôi mới vào thành phố này là những người con gái đeo găng tay dài đến trên khuỷu tay. Bạn gái cùng lớp khi đi học cũng đeo găng tay như vậy. Tôi thắc mắc thì bạn trả lời vì sợ đen, sợ nắng. Những năm sau thì ở Hà Nội, khi ra đường, các cô gái cũng đeo găng tay.

Khoảng nhiều năm sau đó, các cô gái cả ở Hà Nội, Sài Gòn ra đường đều đeo khẩu trang. Sau phụ nữ, đến lượt đàn ông cũng đeo khẩu trang. Rồi đến lúc ra đường, tất cả trông cứ như Ninja. Từ vài năm nay, các cô gái ra đường đều có thêm chiếc áo khoác. Chiếc áo khoác có thể không đẹp, không mới, thậm chí không được sạch lắm. Nói vậy để thấy rằng chiếc áo khoác không hoàn toàn là thời trang. Đó là những điều chỉnh của con người để chống lại nắng, bụi và những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn ngày xưa.


Trước sự khắc nghiệt của tự nhiên, con người đã tìm ra các biện pháp bảo vệ. Kiến trúc cũng có những quá trình tương tự như vậy.

Có hai cách để làm điều này. Thứ nhất là sử dụng công nghệ, thiết bị, ứng dụng thành tựu nghiên cứu của khoa học kỹ thuật để chống lại, thậm chí đối đầu trực tiếp với thiên nhiên. Thí dụ như chống nóng thì có máy lạnh, chống lạnh thì có máy sưởi. Thứ hai là sử dụng các biện pháp có từ xa xưa, nương theo thiên nhiên, dựa theo thiên nhiên để cùng tồn tại, sinh sống một cách hữu cơ với môi trường. Khắp thế giới, tuỳ từng nơi, người ta tạo ra các kiến trúc phù hợp. Ví dụ ở sa mạc nắng mà không gió, ngày nóng đêm lạnh thì người ta làm nhà mái vòm đắp đất để hạn chế hấp thụ nhiệt ban ngày và toả mất nhiệt vào ban đêm.

Ở Việt Nam, các cụ có những câu “lấy vợ đàn bà – làm nhà hướng nam”, “trước cau sau chuối”. Đây là nói chuyện ngôi nhà ở đồng bằng Bắc bộ. Ngôi nhà quay về hướng nam để mùa hè đón gió mát, mùa đông tránh gió mùa đông bắc.

Phía sau nhà là chuối có thân lá cũng che gió tốt…

Không chỉ ở trong dân gian, ngay ở đô thị, tôi có thể khẳng định rằng đã từng có một Hà Nội và Sài Gòn có kiến trúc xanh. Ở Sài Gòn, công trình Thư viện khoa học tổng hợp, dinh Thống Nhất, bệnh viện Thống Nhất… là những công trình tiêu biểu cho khuynh hướng này.


Nhưng rồi đất nước mở cửa, đô thị phát triển diễn ra đúng lúc vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang gây tác hại trên cả hành tinh chúng ta. Thành phố chúng ta bắt đầu đối diện với mật độ xây dựng cao, với kính và máy lạnh, với ô nhiễm, thiếu cây xanh, nóng bức, ngột ngạt, kẹt xe, thiếu nước sạch, ngập nước dơ…

Trong điều kiện đó, kiến trúc xanh trở thành chuyện thời sự. Người ta nói đến tiêu chuẩn LEED, tiêu chuẩn Lotus, đến chuyện ứng dụng và vân vân.

Theo tôi, chú ý đến kiến trúc xanh và ứng dụng của nó là cần thiết. Nhưng không nên nóng vội. Ở đây rất cần một cái nhìn khách quan, khoa học.

Xin lấy một thí dụ đơn giản từ đời sống. Tại nhà ở cá nhân, tôi đang tìm cách tái sử dụng nước mưa dùng làm nước trong nhà vệ sinh. Theo tính toán, dựa trên diện tích mái nhà, với lượng mưa trung bình 1.800mm/năm thì tôi sẽ thu được 90m3 nước mưa. Nhà tôi có năm nhân khẩu, nhu cầu vệ sinh khoảng 55 – 58 m3/năm. Như vậy, lượng nước mưa đủ để đáp ứng nhu cầu vệ sinh và cả tưới cây. Tính tròn theo thời giá hiện tại, 90m3 x 5.000 đồng thì mỗi năm tôi tiết kiệm được 450.000 đồng. Số tiền này gần như là vô nghĩa so với chi phí thiết kế, xây dựng tạo ra giải pháp để có thể chứa được và luân chuyển nước mưa trong căn nhà phố. Nghĩa là việc tái sử dụng nước mưa đối với gia đình không có hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, nếu xét với toàn xã hội, bài toán này lại có hiệu quả bởi nó sẽ giải quyết tình trạng ngập lụt sau cơn mưa. Và trong điều kiện giải pháp nếu thực hiện ở diện rộng hoặc từ thiết kế ban đầu thì chi phí thiết kế xây dựng sẽ được tính theo giá khác.

Thí dụ nhỏ cho thấy cùng một giải pháp, cùng một ý chí, ở những điều kiện khác nhau sẽ có hiệu quả rất khác nhau. Chuyện ứng dụng những thành tựu nghiên cứu của kiến trúc xanh cũng vậy. Trên diễn đàn, trên nhiều cuộc hội thảo đã xuất hiện những ý kiến phải làm, phải làm ngay. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng phải chuẩn hoá kiến trúc xanh thành các quy chuẩn bắt buộc ban hành ngay và có tính pháp lý như trong luật xây dựng chẳng hạn. Ý kiến của tôi là sẽ phải làm điều đó. Nhưng phải có lộ trình. Vụ H5N1 với bao nhiêu thuốc nhập về trong cơn say cảnh báo nguy cơ có lẽ là hậu quả của một tính toán nóng vội.

Ở ta, do đặc thù cơ chế của các hiệp hội, ví dụ như hội kiến trúc sư, tổng hội xây dựng hoặc hội tiết kiệm năng lượng chẳng hạn, không thể ban hành các bộ tiêu chuẩn có tính chất pháp lý. Cách làm đúng mà hội Kiến trúc sư Việt Nam đang làm là triển khai đến các hội thành viên của từng địa phương nghiên cứu đặc thù để đề ra các tiêu chí, giải pháp để hình thành các quy chuẩn, sau đó tham mưu cho các cơ quan nhà nước ban hành.

Sự cần thiết của kiến trúc xanh là điều không còn gì bàn cãi. Nhưng làm thế nào để có kiến trúc xanh lại là cả một quá trình.

KTS Nguyễn Trường Lưu (SGTT)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]