Kiêng sữa, bánh mỳ giúp giảm nhẹ tự kỷ?

Helen Bennett (Anh) khẳng định rằng con trai cô đã giảm tới 80% triệu chứng Asperger sau 6 tháng áp dụng chế độ ăn không gluten, đường và casein.

15.5734
Tia sáng trong vô vọng

Căn bệnh Asperger khiến cậu bé Tom, 5 tuổi, con trai Helen, ngồi nín thinh cả ngày, đắm mình vào những suy  nghĩ lập dị và xếp đồ chơi thành hàng.

Trong 2 năm đầu sau khi chào đời, mỗi giấc ngủ của em chỉ kéo dài 2-3 phút. Lên 3 tuổi, Tom bỗng ngủ rất nhiều, đặc biệt là vào buổi trưa. Khi lớn thêm chút nữa, Tom bắt đầu xuất hiện các hành vi kỳ quặc khác như đập đập cánh tay. Đôi lúc, Tom trở nên đờ đẫn, em lắc lư cơ thể một cách gượng ép và vô duyên cớ nổi cơn tam bành.

Đang trong cơn tuyệt vong khi các bác sĩ kết luận trường hợp tự kỷ của con mình là “vô phương cứu chữa”, Helen tình cờ biết tới Tiến sĩ Jean Munro, điều hành một phòng khám chuyên điều trị các chứng rối loạn hành vi ở trẻ em tại Hemel Hempstead (Anh). Ông vừa tham gia một cuộc hội nghị về phương pháp điều trị tự kỷ bằng chế độ ăn.

Munro cho rằng nguyên nhân gây tự kỷ nói chung và Asperger nói riêng là do ruột bị tổn hại. Lượng kháng sinh tiêm vào cơ thể trẻ trong năm đầu tiên sau khi chúng chào đời hoặc trong bụng mẹ gây tổn hại tới thành ruột, khiến bộ phận này bị rỗ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

Theo lời kể của Helen, đúng là Tom đã phải tiêm kháng sinh ngay sau khi chào đời để bảo vệ cơ thể khỏi một loại virus bị nhiễm khi còn trong bụng mẹ.

Thông thường, cơ thể phân hủy một số loại protein trong thức ăn thành các cấu trúc peptide. Những peptide này sau đó được chuyển hóa thành các phân tử nhỏ hơn và có thể di chuyển qua thành ruột dễ dàng.

Tuy nhiên, theo Munro, thành phần trong thuốc kháng sinh có thể khiến ruột bị rỗ, hấp thụ các peptide trước khi chúng được chuyển hóa đúng cách. Những peptide này sẽ qua đường máu lên não, gây tổn thương não bộ và dẫn tới các triệu chứng như của Tom.

Một số peptide có tính chất tương tự như morphine nên trẻ bị tự kỷ có thể có nồng độ hóa chất giống morphine trong máu cao.

Công thức kỳ diệu?

Đa phần các loại peptide này được sản sinh từ gluten, đường và các sản phẩm từ sữa nên Munro khuyến cáo các bệnh nhân của mình loại bỏ thực phẩm chứa gluten (bột mỳ, yến mạch, lúa mạch), đường và casein (sữa, sản phẩm làm từ sữa) ra khỏi thực đơn hàng ngày.

Áp dụng đúng như vậy, sau 4 tháng, Helen khẳng định cô đã thấy sự chuyển biến bất ngờ của cậu con trai.

Chế độ ăn không có đường, gluten và casein giúp Tom hồi phục tới 80% tình trạng bệnh.

Helen khẳng định chế độ ăn không có đường, gluten và casein giúp Tom hồi phục tới 80% tình trạng bệnh.

Tom nhận thức được nhiều hơn thế giới xung quanh và tỏ ra hứng thú với những người khác như bắt đầu đặt câu hỏi cho họ. Cậu bé cũng nhớ và gợi lại được nhiều thông tin hơn.

Ngoài ra, em cũng giảm được quầng thâm ở mắt, một triệu chứng khác của bệnh tự kỷ do không đủ khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.

Sự thay đổi lớn nhất trong hành vi của Tom là em đã biết nói chuyện, chơi đùa với những đứa trẻ khác. Theo Helen, sau 6 tháng, Tom đã cải thiện được tới 80% tình trạng bệnh.

“Không còn sự im lặng trên cả chặng đường dài nữa. Khi chúng tôi đang lái xe, thằng bé bỗng dưng thốt lên “Mẹ nhìn kìa, có một cái cây!”, tôi giật mình đến nỗi suýt chút nữa đã đâm xe” – Helen xúc động.

Chưa có bằng chứng khoa học

Tại Mỹ, có khoảng 17-27% cha mẹ áp dụng chế độ ăn không gluten và casein đễ chữa tự kỷ cho con.

Tuy nhiên, sau khi phân tích 14 nghiên cứu trước đó về tác dụng của chế độ ăn không gluten và casein trong việc điều trị tự kỷ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) thấy rằng chưa có tài liệu nào kết luận phương pháp này hiệu quả.

Ngoài ra, theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Austin Mulloy, thành viên nhóm nghiên cứu, chế độ ăn này gây thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

Dẫu vậy, Mulloy cho rằng phương pháp trên không hẳn là không có tác dụng: “Nếu một đứa trẻ có sự thay đổi hành vi “cấp tính” liên quan tới chế độ ăn hoặc các bác sĩ phát hiện đứa trẻ bị dị ứng với đồ ăn hoặc cơ thể không tiếp nhận được gluten hoặc casein thì có thể cân nhắc phương pháp này”.

Tiếp nối với nghiên cứu trên, Đại học Rochester (Mỹ) đã tiến hành khảo sát trực tiếp trên 22 trẻ mắc tự kỷ, tuổi từ 2,5 -5,5. Cuộc thử nghiệm kéo dài 18 tuần, tất cả các thành viên tham gia đều không bị dị ứng với sữa, bột mỳ và không mắc bệnh celiac (ruột non bị tổn hại khi ăn đồ ăn chứa gluten) hay thiếu sắt.

Chỉ có 14 trẻ duy trì được tới khi nghiên cứu kết thúc. Thoạt đầu, chế độ ăn của các em được điều chỉnh không gluten và casein trong vòng 4 tuần. Sau đó, chúng được cho ăn thử nghiệm một tuần một lần 4 loại bánh snack giống hệt nhau về hình dạng, mùi vị và kết cấu, tuy nhiên loại 1 chứa khoảng 20g bột mỳ, loại 2 chứa 20g sữa cô đặc, loại 3 chứa cả 2 thành phần và loại 4 không chứa thành phần nào trong 2 loại. Quy trình được tiếp tục cho tới khi tần suất ăn bánh tăng lên 3 lần/tuần trong 12 tuần.

Các triệu chứng tự kỷ như hành vi cư xử, thói quen ngủ, kỹ năng xã hội của trẻ được theo dõi trước khi thử nghiệm, sau khi thử nghiệm 2 tiếng và 24h sau đó. Tuy nhiên, kết quả cho thấy không có sự thay đổi nào so với khi dùng giả dược.

Theo Thu Thương
Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]