Kinh nghiệm dạy trẻ sinh đôi

Mặc dù ông bà, bố mẹ rất nghiêm khắc dạy dỗ nhưng cả gia đình nhiều khi "dở khóc dở cười" vì cách phản ứng của các cháu.

15.6027

Tôi có 2 bé gái sinh đôi 2,5 tuổi. Các cháu rất lanh lợi, hiếu động và ham học hỏi, hiện ở nhà với ông bà. Mặc dù ông bà, bố mẹ rất nghiêm khắc dạy dỗ nhưng cả gia đình nhiều khi "dở khóc dở cười" vì cách phản ứng của các cháu.

Chẳng hạn:

- Con hư, ông ngoại đi tìm cây roi mây để phạt. Ông hỏi bâng quơ "cây roi mây của ông đâu rồi?" thì bé em ngồi đáp tỉnh rụi "Cây roi mây của ông ngoại con quăng vô sọt rác rồi". Ông phì cười trước câu trả lời của con nhưng vẫn đi tìm cây roi mây. Khi tìm được rồi, biết khó lòng thoát khỏi cảnh ăn đòn, 2 đứa nhất định không đi tới chỗ ông yêu cầu, đứng ỳ ra... xuống tấn để nếu có bị đánh cũng không đau. Đến nước này thì ông ngoại cũng chào thua.

- Việc khẳng định cái tôi của các bé khá cao. Ví dụ các bé đang xem TV, mẹ bảo tắt đi ngủ thì bé chị nhanh chân chạy ra lấy điều khiển bấm tắt. Khi đó, bé em gào khóc vì không được tắt TV, dỗ mãi cũng không được, bắt buộc mẹ phải mở TV lên để cho bé em tắt thì mới nín. Quần áo của bé cũng phải để bé tự thay và bỏ vào thau, nếu chẳng may bố mẹ quên tự ý làm giùm con là y như rằng các bé sẽ gào khóc um sùm. Thật ra như thế cũng rất hay vì con tự giác làm. Nhưng mỗi lần chơi xong, dù bố mẹ có nhẹ nhàng nhắc nhở hay lớn tiếng yêu cầu, các bé rất ít khi chịu gom đồ chơi cho vào thùng, dù rằng bố mẹ có phụ làm chung với con.

Rất mong được các chuyên gia tư vấn giùm cách nuôi dạy làm sao để các cháu biết vâng lời, phát triển tốt.

(Đoan Thư)


Chào bạn,

Gia đình bạn thật vui vẻ, hạnh phúc vì có được 2 cô công chúa hoạt bát và đáng yêu như thế. Tuy nhiên, so với các gia đình chăm sóc một bé thì chắc chắn gia đình bạn sẽ vất vả gấp đôi hoặc là hơn. Để ứng xử với các bé sinh đôi, chúng tôi xin chia sẻ với bạn một số kinh nghiệm như sau:

- Dạy bé cách nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau: Các bé sinh đôi thường rất ít biết cách nhường nhịn nhau mà luôn muốn tranh giành, cạnh tranh nhau từ những cái nhỏ nhất như sự âu yếm của mẹ, cái vỗ tay hoan hô của bố... Vì vậy, trước hết trong ứng xử bố mẹ cần tạo sự công bằng cho hai bé, đồng thời dạy 2 bé cách nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Để khuyến khích những đức tính này, cha mẹ cần hướng dẫn bé như “con lấy giúp chị cái khăn”, “đây là phần bánh của hai chị em, bây giờ mẹ sẽ làm trọng tài, chị Su cắt bánh và em Na chia bánh cho 2 chị em giúp mẹ nào”, hoặc chơi các trò chơi đóng vai mà ở đó các nhân vật có hành động nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ nhau, khen ngợi khi bé chị biết nhường nhịn bé em và ngược lại...

- Ứng xử khi bé mắc lỗi: Thông thường các bé hay chơi nghịch cùng nhau nên khi mắc lỗi thì cả 2 bé cùng mắc. Trong việc ứng xử với trẻ mắc lỗi, người lớn không nên sử dụng biện pháp đòn roi, nhất là khi nhà có 2 bé hay quậy mà cứ quậy là người lớn lại mang đòn roi ra dọa thì sẽ chỉ làm tăng thêm không khí ồn ào, căng thẳng trong gia đình.

Đòn roi không có tác dụng dạy bảo bé lâu dài mà chỉ làm bé sợ nhất thời, hơn nữa có thể gây ra tình trạng “lỳ đòn” ở các bé. Cha mẹ nên dứt khoát, nghiêm khắc trong cách nhắc nhở, dạy bảo bé. Khi bé làm sai, hướng dẫn và khuyến khích sửa lại lỗi sai đó, bé nào làm tốt thì khen ngợi.

- Chơi với bé nhiều hơn: Ở một số gia đình, do bố mẹ bận công việc riêng, thấy 2 bé có thể chơi cùng nhau nên thường “bỏ mặc” hai bé chơi mà không tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ các bé chơi. Vì thế, trẻ thường chơi rất tự do, chạy nhảy, leo trèo và quậy phá đồ đạc... làm người lớn cảm thấy khó chịu. Đối với 2 bé, bố mẹ cần dành nhiều thời gian chơi cùng con, định hướng cho trẻ luân phiên giữa các các trò chơi “động” (như các trò chơi kéo cưa lừa xẻ, nấu ăn, chơi bóng, chơi lái xe…) và “tĩnh” (như đọc truyện, tô màu, chơi đất nặn, xé dán…) giúp trẻ chơi có mục đích, có ý nghĩa hơn.

AloBacsi.vn
Theo Ths Nguyễn Thị Quỳnh - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]