Thay đổi áp suất lốp

Khi di chuyển trên đường bùn lầy, đầy cát hay nhiều đá cuội, tốt nhất là nên giảm áp suất lốp. Việc này sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc của lốp với mặt đường. Khi diện tích tiếp xúc càng lớn, độ bám đường của lốp sẽ càng tăng.

 

Đường đầy cát luôn đòi hỏi bạn phải giảm bớt độ căng của lốp, nhưng nhớ phải giữ áp suất lốp tối thiểu là 16PSI (tương đương 1,12kg/cm2). Nếu bạn giảm áp suất quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lốp trượt ra khỏi la-zăng. Đối với các loại địa hình khác, bạn chỉ cần rút từ 3 đến 4 PSI áp suất lốp so với áp suất tiêu chuẩn là đã tăng độ bám đường cần thiết cho xe.
Luôn mang dụng cụ cứu hộ

Bạn sẽ cần một số dụng cụ như dây cáp (dây mềm sẽ dễ dàng cất giữ hơn), bơm lốp hoặc bình khí nén, và ma-ní. Điều quan trọng là những dụng cụ đó phải có khả năng chịu lực đủ lớn để bạn có thể sử dụng trong các tình huống cần thiết. Thông thường, dây cáp dùng để kéo một chiếc xe như Ford Ranger phải chịu được lực kéo khoảng 6.400kg, còn các ma-ní cũng phải chịu đựng sức kéo từ 6.400kg hoặc nhiều hơn.

 

Bơm hoặc bình khí nén sẽ giúp bạn bơm lại áp suất lốp sau khi đã tháo bớt để đi trên cát hoặc bùn lầy, sỏi đá. Bạn cũng cần có một thiết bị đo áp suất lốp để xác định chính xác độ căng của lốp trong từng trường hợp cần thiết.
Tìm hiểu các phần thấp nhất trên xe

Hãy quan sát bên dưới gầm xe để tìm hiểu cấu trúc của nó. Bạn cần biết xe của mình có những khả năng gì và phần thấp nhất của xe nằm ở đâu. Nếu bạn nghe thấy tiếng sột soạt phát ra khi đang lái xe, bạn vẫn có thể tự quyết định liệu có nên đi tiếp vì lúc này bạn đã đủ kiến thức để phán đoán xem phần nào bên dưới xe sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào.

 

Vi-sai thường là bộ phận thấp nhất dưới gầm xe và rất dễ bị va chạm, thậm chí là vỡ nếu gặp đá lớn trên đường khi đang di chuyển. Khi đi trên đường có ổ gà và nhiều đá, tốt nhất là giảm tốc độ và quan sát cẩn thận để tránh những tảng đá có thể làm hỏng gầm xe. Đôi khi phải lái xe một bánh lên trên đá để cải thiện độ cao gầm, tránh va chạm dưới gầm.
Luôn chú ý quan sát đường đi
Việc tập trung và thường xuyên quan sát đường phía trước và phán đoán đường sắp đi qua cho phép bạn lựa chọn đúng tay số và chế độ lái từ trước để có thể sử dụng đúng mô-men động cơ, tốc độ động cơ và vận tốc xe ở những tình huống bất ngờ. Khi đã biết rõ điều gì phía trước, bạn sẽ tìm được cách ứng phó tốt nhất và tăng sự ổn định cho xe.

Nếu lái xe qua những vũng nước sâu, đầm lầy hay cồn cát dốc, điều cần thiết không chỉ là sự thận trọng, mà còn là kinh nghiệm xử lý để động cơ phát huy sức kéo tối ưu, chiến thắng lực cản của địa hình, giúp xe duy trì đà. Hãy tìm hiểu xem chiếc xe của bạn đạt mô-men xoắn tối đa ở tốc độ vòng tua nào để chọn số và xử lý chân ga phù hợp, đạt tốc độ mong muốn với lực kéo tối ưu trong từng tình huống.

Cảnh giác với những hố nước
Không ai có thể đoán chắc được rằng dưới một hố nước lớn có cái gì, kể cả một nơi quen thuộc hay xa lạ. Dưới đó có thể có những miệng hố ga bị mất nắp, một tảng đá lớn, một vệt đường bị sạt lở sâu do mưa lớn... An toàn nhất là bạn nên ra khỏi xe và kiểm tra tình trạng của hố nước, từ độ sâu, đến bề mặt đáy hố, khả năng trơn trượt gây mất lái... Nhiều trường hợp hố nước có thể nông một phần nhưng sâu ở phần khác.


 

Khi đi qua hố nước, nên đi với tốc độ chậm, ổn định và không được dừng lại giữa chừng. Việc ổn định tốc độ sẽ duy trì áp suất trong hộp số và các bộ vi sai để tránh nước đi vào các bộ phận này. Kể cả những chiếc xe như Ford Ranger có ống thông hơi trên hộp số và các bộ vi sai để ngăn nước vào, nhưng nếu xe dừng lại đột ngột, nguy cơ nước tràn vào vẫn có thể xảy ra.
Luôn giữ hai tay trên vô-lăng

Điều này thoáng nghe có vẻ là thừa và buồn cười, nhưng thực tế lại là vấn đề mà nhiều lái xe chủ quan. Nguyên do là vô-lăng của xe có thể bị đánh lái không mong muốn và gây mất lái khi đi trên những địa hình gập ghềnh, nhiều ổ gà, đá hộc...


 

 

Trên nhiều dòng xe địa hình chuyên nghiệp có một trang bị quan trọng là bộ giảm chấn lái hay bộ cân bằng hệ thống lái. Thiết bị này có tác dụng dập tắt các xung động do địa hình tác động lên bánh xe, rồi dội lên vô-lăng. Với các dòng xe đa dụng thông thường, nếu không giữ vô-lăng bằng hai tay, bạn rất dễ bị mất điều khiển khi gặp tình huống bất ngờ.


Ford Hà Nội

Video đang được xem nhiều