Kinh nghiệm không sinh con thứ 3 ở Tân Thành

GiadinhNet - Thôn Tân Thành (xã Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang) có 40 hộ với hơn 180 khẩu, trong đó có 40 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

0

Trước những khó khăn do địa phương có tới hơn 90% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng di dân tái định cư từ Trường bắn quốc gia, nhưng với nhiều cách tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, 17 năm qua Tân Thành luôn giữ vững thành tích không có người sinh con thứ ba.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thi hoàn cảnh rất khó khăn. Dù đã sinh được hai cậu con trai khôi ngô, song vì mong muốn trong nhà có thêm con gái cho “có nếp, có tẻ” nên vợ chồng chị vẫn do dự chưa thực hiện KHHGĐ. Thấy được ý định này, cộng tác viên dân số thường xuyên đến gia đình gặp gỡ, lựa lời phân tích gái hay trai cũng nên dừng lại ở hai con để nuôi dạy con tốt, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
 

Cộng tác viên dân số Vi Thị Đàm (giữa) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ sinh sản với người dân địa phương.

Đặc biệt, năm 2008, chia sẻ với khó khăn của gia đình do thiếu vốn mở rộng diện tích cây ăn quả, thông qua hoạt động của tổ vay vốn Chi hội phụ nữ, chị Thi được vay 10 triệu đồng lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, chị Thi còn được hội viên hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nên sau 3 năm gia đình chị không những hoàn trả vốn vay mà còn là một trong những phụ nữ vượt khó điển hình có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ trồng vải thiều, chăn nuôi gà, lợn. Kinh tế từng bước ổn định, gia đình chị có thêm điều kiện chăm sóc, nuôi dạy hai con chăm ngoan, học tập tiến bộ.

Cùng với gia đình chị Nguyễn Thị Thi, ở thôn Tân Thành còn có 13 hộ đều sinh con một bề khác… Nhờ tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể như: hội nông dân, hội phụ nữ, câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế”… và sự tham gia tác động thường xuyên, tích cực của nữ Trưởng thôn kiêm cộng tác viên dân số Vi Thị Đàm, các gia đình đều nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân số với việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trao đổi với chị Vi Thị Đàm, Trưởng thôn kiêm cộng tác viên dân số, được biết: Trước khi làm trưởng thôn, nhờ nhiệt tình và trách nhiệm với công tác xã hội nên bên cạnh đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tan Thành, trực tiếp quản lý tổ vay vốn giúp hội viên phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, năm 2003 chị Đàm còn được địa phương tín nhiệm giao thêm công việc cộng tác viên dân số.

Bằng uy tín và trách nhiệm với công việc, cùng với tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống loa truyền thanh thôn, vào những đợt cao điểm diễn ra chiến dịch truyền thông tăng cường chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kỷ niệm ngày dân số Thế giới 11-7 hay Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12)… , thôn còn phối hợp với Trạm Y tế tổ chức tăng cường truyền thông, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thực hiện KHHGĐ đến từng đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.

Trong mỗi cuộc họp với hội viên phụ nữ, chị Vi Thị Đàm luôn lựa chọn hình thức sinh hoạt lồng ghép, nội dung đa dạng, phong phú. Ví dụ như trong hoạt động của tổ vay vốn ưu đãi giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, sẽ ưu tiên cho những chị em gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý thức chấp hành tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác Dân số- KHHGĐ.

Các buổi sinh hoạt thường tập trung những chủ đề như: tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ, vấn đề bất bình đẳng giới, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay hoặc phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng gia đình hạnh phúc…. Riêng những trường hợp sinh con một bề có ý định sinh con thứ ba, chị Đàm tranh thủ gặp riêng tại gia đình hay khi làm ngoài đồng, lựa lời phân tích, giảng giải.

Bằng các hình thức hoạt động đa dạng, hấp dẫn, các buổi sinh hoạt đều thu hút từ 85 - 90% phụ nữ tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện Dân số-KHHGĐ tại địa phương. Từ năm 2008 đến nay, cộng tác viên Vi Thị Đàm được địa phương tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn.

Phát huy uy tín của mình trong tổ chức đoàn thể và quần chúng, tại các cuộc họp, Trưởng thôn luôn nhấn mạnh tiêu chí đánh giá danh hiệu gia đình văn hoá trong năm gắn với việc thực hiện tốt chính sách dân số. Từ đó khẳng định vai trò quan trọng của mỗi hạt nhân gia đình văn hoá sẽ góp phần giữ vững danh hiệu Làng Văn hoá nhiều năm qua của địa phương.

Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sự phối kết hợp của các tổ chức đoàn thể vào cuộc cùng tham gia, công tác Dân số-KHHGĐ ở thôn Tân Thành tính đến hết năm 2011 tiếp tục giữ vững thành tích 17 năm không có người sinh con thứ ba và 6 năm đạt danh hiệu Làng văn hoá cấp huyện.

Hải Vân

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]