Kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương ở Nhật

15.5962
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong tổ chức chính quyền địa phương, thực trạng chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay và những khuyến nghị là nội dung được trao đổi tại Hội thảo khoa học kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản diễn ra trong 2 ngày 22-23/8.

Hội thảo do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) tổ chức.

Hội thảo là cơ hội để Việt Nam lắng nghe những kinh nghiệm của Nhật Bản về tổ chức chính quyền địa phương, phục vụ cho sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trưởng đại diện JICA Việt Nam Mori Mutsuya nhận định chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở Nhật Bản có xu hướng chính quyền Trung ương giảm dần quyền hạn, trao quyền cho chính quyền địa phương.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho biết nước này thực hiện chế độ tự trị địa phương và điều đó được Hiến pháp bảo đảm. Chính quyền địa phương có Hội đồng gồm các ủy viên được bầu công khai, có quyền biểu quyết về ngân sách và quyền lập pháp trong phạm vi cho phép của pháp luật, việc giải quyết công việc hành chính do người đứng đầu (được bầu trực tiếp) thực hiện, tỷ lệ đảm trách các công việc và dự án của chính quyền địa phương là rất cao.

Giáo sư Koda Masaharu đến từ Trường Đại học Chuo cho biết, để đảm bảo tự trị địa phương, có hai yếu tố quan trọng là tự trị tổ chức và tự trị người dân. Phải nâng cao được năng lực các tổ chức chính quyền địa phương và năng lực người dân, để ý chí, nguyện vọng của người dân được phản ánh vào trong các chính sách và trong các hoạt động của chính quyền địa phương.

Nhật Bản luôn coi trọng sự tương tác qua lại giữa chính quyền địa phương với người dân, có sự tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và người dân để nắm bắt mong muốn của nhân dân; thường xuyên trao đổi giữa các thành viên của Hội đồng Nhân dân địa phương với người dân hoặc tổ chức các buổi trao đổi, nói chuyện giữa người dân thường với các trí thức - những người có học vị cao, hiểu biết về luật lệ, quy định để người dân có hiểu biết sâu sắc hơn.

Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương tại thành phố Higashimurayam là minh chứng rõ rệt cho các ý kiến của giáo sư Koda.

Thị trưởng thành phố, ông Watanabe Takashi cho biết kinh nghiệm hay của ông là mỗi tháng một lần tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với người dân để có cơ sở thiết thực cân nhắc trong thực hiện chính sách. Thành phố tổ chức các cuộc trưng cầu ý kiến của người dân liên quan đến các chính sách đưa ra, tổ chức các cuộc hội thảo và chỉ định ngẫu nhiên một số cá nhân tham gia vào quá trình hoạt động hành chính. Việc lựa chọn được thực hiện ngẫu nhiên dựa trên danh sách cư dân của thành phố.

Người dân thành phố không chỉ được tham gia đóng góp xây dựng chính sách, mà còn được đánh giá kết quả thực hiện chính sách đó, các dự án, chương trình tạo nên một vòng khép kín để người dân có thể nhận thấy chính sách do mình quyết định mang lại hiệu quả như thế nào.

Những nội dung thảo luận chuyên sâu sẽ tiếp tục được thành viên Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản đề cập tại buổi tọa đàm sáng 23/8./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]