Kinh nghiệm "xương máu" cho bé ăn dặm

Bài viết là những chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho con ăn dặm kiểu Nhật của mẹ Aichan.

15.621
Từ lâu, người Nhật nuôi con ăn dặm theo một phương pháp khoa học khá đơn giản mà lại hiệu quả. Vì được tập ăn từng bước bài bản nên bé có thể ăn được nhiều loại thức ăn từ cá, gà, bò, heo, trứng, tôm cho đến các loại rau, củ, quả. Bé được tập ăn cháo trắng với thức ăn riêng nên biết phân biệt mùi vị của từng loại thực phẩm. Từ đó bé biết mình thích món nào và không thích món nào một cách rõ ràng.

Phương pháp cho con ăn dặm của các bà mẹ đến từ xứ sở hoa Anh Đào có nhiều điểm thú vị và được nhiều mẹ Việt ưa chuộng. Và khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ Việt sẽ có rất nhiều những thắc mắc chưa biết hỏi ai.

Dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho con ăn dặm kiểu Nhật của mẹ Aichan rất bổ ích, chị em nên tham khảo.

Xác định độ đặc -  loãng của cháo

Vấn đề xác định độ đặc loãng làm hầu hết các mẹ lúng túng. Câu trả lời chung là việc điều chỉnh như thế nào là do các mẹ và do bé hợp tác tới đâu. Xuất phát điểm có thể nhận biết bằng cách sau. Ví dụ như cháo, xúc 1 thìa cháo cho nhỏ giọt xuống bát.

Khi mới bắt đầu cho bé ăn thì thìa cháo nhỏ giọt nhanh (cỡ 1s/ 2,3 giọt chẳng hạn), sau đó vài bữa tăng dần (1s/ 1 giọt)… và tiếp tục tăng dần lên. Tới giai đoạn 7 - 8 tháng thì thìa cháo chắc phải 5s mới nhỏ 1 giọt, vì lúc này đã ăn cháo đặc hơn. Giai đoạn 9 - 11 tháng thì cháo không nhỏ xuống được nữa đâu nhé.

Tương tự đối với các thực phẩm khác. Tăng độ đặc loãng bằng cách làm sánh (sử dụng bột năng, bột sắn…). Việc làm sánh rất quan trọng, giúp bé nuốt tốt hơn, ngay cả khi bé ăn thô giỏi rồi, tới giai đoạn 9 - 11 tháng tùy theo loại thực phẩm khác nhau, đôi khi vẫn cần thiết làm sánh.

Giai đoạn 5 - 6 tháng

Cách nghiền thịt cá và rau cho trẻ 5 - 6 tháng, mức độ thô, độ đặc.

Thịt, cá, và rau thường khó làm mịn hơn cháo, vì kiểu gì cũng thấy lợn cợn, nhất là thịt. Chắc có lẽ thế mà bước đầu mới tập ăn, khoảng 2 tuần đầu, chưa cần cho bé ăn đạm.

Cách làm tổng quát cho mọi loại thịt cá là:

-  Lấy loại thịt nạc, cá trắng.

-  Luộc thịt, cá lên, giữ nước dùng lại.

- Đối với cá: mềm hơn nên rây qua lưới. Sau đó hòa loãng ra bằng nước luộc. Thêm ít bột năng (hoặc bột sắn) đã hòa tan vào 1 chút nước, rồi hòa cùng bát cá. Quay vi sóng 20 - 30s. Nếu cẩn thận hơn thì đun lên, cách làm sánh tương tự.

- Đối với thịt: khó mịn hơn cá, tuy nhiên cách làm như nhau, nếu khó rây thì đầu tiên giã qua thịt đã rồi rây.

Nếu làm nhiều cất đông thì có thể xay lẫn thịt và nước luộc chung bằng máy xay. Khó có thể làm thịt cá thật nhuyễn, kiểu gì cũng cảm thấy lợn cợn, nhưng các mẹ đừng lo, đó cũng là một bước để tăng độ thô. Nếu chưa cảm thấy yên tâm, thì hãy cho tỉ lệ nước dùng nhiều hơn, cá thịt ít hơn, bé sẽ nuốt dễ hơn, tuy nhiên chỉ 1 vài bữa đầu thôi.

Cách chế biến lòng đỏ trứng cho bé 5 - 6 tháng ăn

Hãy cẩn thận với trứng, nhất là bé 5 - 6 tháng. Thế nên, sách ăn dặm Nhật có tài liệu không khuyến khích cho bé ăn trứng giai đoạn này. Nếu cho ăn, giai đoạn 5 - 6 tháng chỉ 1 thìa con/ bữa, mang tính chất ăn thăm dò.

Lưu ý: Có một số bé dễ dị ứng với trứng nên có thể nổi mẩn đỏ khắp người.

Cách chế biến: luộc trứng thật kỹ, tách lấy riêng lòng đỏ, pha loãng, mịn ra với nước rau.

Nấu mỳ Ý cho trẻ 5 - 6 tháng ăn được không? Chế biến ra sao? Nếu ăn mỳ không thì nhạt quá, bé làm sao ăn được?

Bé 5 - 6 tháng chưa ăn được mỳ Ý. Khoảng 8 tháng mới bắt đầu cho ăn, lúc đó không cần chế biến nhiều (chỉ cần băm nhỏ), lúc này có thể thay đổi món cho con bằng cách chế biến cầu kỳ hơn, ví dụ: mỳ Ý nấu nấm, mỳ Ý sốt cà chua thịt...

Giai đoạn này có nên cho trẻ ăn bánh ăn dặm được chưa?

Chọn loại bánh ăn dặm tan ngay trong miệng, khi cho ăn cần phải để ý bé, cẩn thận không bé cho nhiều vào miệng dễ nghẹn.

Lời khuyên cho các mẹ trong giai đoạn 5, 6 tháng: Tâm lý ai cũng thế, con ăn được thứ này, thứ kia là muốn làm ngay thật nhiều món ngon thay đổi cho con. Theo như mẹ Aichan nhìn kết quả áp dụng với con mình, và tham khảo theo dõi các mẹ Nhật làm, thì càng cho con ăn món đơn giản càng tốt, đúng vị của thực phẩm sẽ tốt hơn và có hiệu quả cao trong các giai đoạn tiếp theo.

Ví dụ, mẹ Aichan cứ chăm chăm làm hết món nọ món kia, trong khi các mẹ Nhật chỉ cho con ăn khoai luộc, rau luộc, cơm trắng, hoặc cá thịt luộc… Aichan bây giờ có lúc không chịu ăn rau luộc, khoai… toàn phải chế biến thành món gì đó “lừa” miệng con.

Mẹ Aichan nghĩ đơn giản thế này, sau này bé còn rất nhiều cơ hội thưởng thức đủ các loại món ngon trên đời, nên chỉ 1 thời gian ngắn, vài tháng đến 1 năm thôi, trước khi ăn cùng bố mẹ, bé hãy chịu khó ăn “khổ” 1 chút. Tóm lại là đừng có cho bé ăn ngon từ đầu, hãy cho bé biết thời điểm này rau luộc, khoai, cơm… là những vị ngon nhất rồi.


Giai đoạn 7 - 9 tháng

Ở giai đoạn 7 tháng thì trẻ ăn cháo thế nào?

- Cháo 1:7 là cháo đặc hay chỉ lổn nhổn thôi?

- Cho bé ăn giai đoạn 2 là loãng hay lổn nhổn, hay đặc mịn?

Cách nấu cháo 1:7: lý thuyết là 1 gạo 7 nước, sau đó vẫn cần rây. Ninh cháo bằng bếp dễ bị mất nước, nên các mẹ hay dùng cốc nấu cháo nấu cùng vào nồi cơm điện của cả nhà, khi cơm chín thì ủ thêm 30-40 phút nữa.

Giai đoạn 7, 8 tháng mẹ Aichan nấu 1 lon gạo, ấn nút nấu cháo của nồi cơm điện, khi được cháo thì ủ thêm khoảng 15 - 30 phút nữa. 1 - 2 tuần đầu của giai đoạn này, mẹ cháu vẫn rây, cất đông, tới khi nấu thì pha thêm nước rau (độ đặc loãng đã nói ở trên). Tới tuần thứ 3 (Aichan khoảng 7,5 tháng) thì không rây nữa, dùng chày hoặc cán thìa nghiền cháo ngay trong nồi, có hạt nguyên hạt vỡ, sau đó vẫn thêm nước rau làm loãng.

Cách làm tăng độ thô: 5, 6 tháng bé ăn cháo hạt mịn. Giai đoạn 7, 8 tháng ăn thô hơn. Lúc đầu giã hoặc nghiền cháo bằng cán thìa tất cả cháo. Rồi tiếp đến nghiền 1/2 phần cháo đó, còn lại 1/2 để nguyên hạt, rồi tăng dần thành cháo nguyên hạt…

Tuy nhiên lúc đầu để bé nuốt thô quen, thì vẫn nên làm loãng, nói dễ hiểu là lúc đầu bé ăn cháo loãng hạt vỡ 100%, rồi cháo loãng hạt vỡ 50% nguyên hạt 50%,  rồi dần chuyển sang cháo loãng nguyên hạt, rồi cháo đặc nguyên hạt… (tùy theo từng bé mà các mẹ điều chỉnh)

Có phải ăn theo phương pháp ăn dặm của Nhật thì bé sẽ tăng cân chậm không?

Cái này có vẻ đúng. Khi bé ăn dặm, đừng hi vọng bé tăng 1kg/tháng như thời kỳ ti mẹ. Bé chỉ tăng cân nhiều nhất khoảng 1-3 tháng đầu, rồi mức tăng sẽ chậm lại. Vì thế, khi bắt đầu ăn dặm thì ngoài bữa dặm, vẫn cần bổ sung sữa cho bé cho đến 1 tuổi, vì ngoài 1 tuổi bé có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm, nên sẽ bổ sung đầy đủ chất cho cơ thể hơn.

Ở Nhật, mẹ Aichan biết nhiều người mãi tới 7 hoặc 8 tháng mới cho con ăn dặm, vì sữa họ tốt và con tăng cân đều, nên họ không cần vội. Người Nhật quan niệm ăn dặm là dạy cho bé tập ăn, dạy cho bé thói quen ăn uống, chứ không phải ăn dặm để “vỗ béo” bé. Nếu giai đoạn đầu của quá trình ăn uống này, cha mẹ thận trọng và giáo dục tốt, sau này bé ăn uống tốt, có khi còn hãm phanh không kịp… , lúc đó có khi lại lo bé béo phì. Vậy nên các mẹ cũng nên chuẩn bị để lựa chọn “trước” hay “sau”. Con béo trước, nhưng sau này ăn uống kém, phải ép ăn. Hay là con cứ tăng cân chậm trước, sau nó thích ăn, mẹ lại nhàn???

Giai đoạn sau 15 tháng

Em bé 20 tháng chưa ăn theo phương pháp Nhật bao giờ chỉ có theo truyền thống ông bà ngày xưa, và kết quả ăn cháo quá nhiều khiến con chán ăn. Không ăn tất cả mọi thứ trừ mì tôm sống và những thức ăn khô và phải giòn. Cách giải quyết vấn đề này ra sao? Làm sao để tập cho con ăn uống tốt?

Bé đã 20 tháng rồi thì thật là khó để đào tạo. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quyết tâm và kiên trì, thì mẹ Aichan nghĩ có thể sửa đổi phần nào. Hãy bắt đầu bằng việc làm cho bé biết thế nào là đói. Sau đó, lấy thời điểm hiện tại bé ăn thô loãng thế nào làm giai đoạn 1, rồi bắt đầu tăng dần lên.

Mẹ phải biết nghiêm khắc và chấp nhận kể cả việc con sụt cân. Không cho bé ăn gì ngoài những thứ mẹ chuẩn bị cho, theo đúng giờ ăn quy định, bé ko ăn thì dẹp đi, tới khi bé đòi thì lại lấy ra đúng món đó, cho dù bé ăn vài thìa, hãy chấp nhận như thế và điều chỉnh dần dần.

Hi vọng những chia sẻ này giúp ích cho các mẹ. Chúc các mẹ khỏe, đẹp, con ngoan!

Bài viết được lấy nguồn từ blog của mẹ Aichan về kinh nghiệm nuôi con ăn dặm. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả nhằm chia sẻ kinh nghiệm nuôi con từ thực tế cách nuôi con của người Nhật Bản.



8 bí quyết "bỏ túi" cho các mẹ khi cho con ăn dặm.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]