Kỹ năng nói chuyện giới tính với trẻ

15.5976

Khi nói về giới tính, cha mẹ, thầy cô không nên so bì với trẻ hoặc soi mói khi biết các em đã có cảm xúc tình dục.

Trong một buổi tọa đàm mới đây với phụ huynh, học sinh trường THCS Lê Lợi và THCS Lý Thường Kiệt (Hà Nội), bác sĩ Phạm Vũ Thiên - chuyên gia của Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số - đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Là một chuyên gia tư vấn về tâm sinh lý độ tuổi dậy thì, bác sĩ Thiên có kinh nghiệm tư vấn nhiều trường hợp. Ông kể, từng nhận được lá thư của bé gái 12 tuổi, sống với mẹ, cho biết, có một người đàn ông thường xuyên sang giúp đỡ hai mẹ con và tặng quà cho bé. Thời gian gần đây, ông này có ánh mắt kỳ lạ và cố tình động chạm đến cơ thể bé. Em hoang mang không biết có nên nói với mẹ. Bởi em nghĩ, mẹ không tin vì người đàn ông này quá tốt, mặt khác em lại sợ nói ra sẽ mất quà.

Một lần khác, bác sĩ Thiên tổ chức làm phim ngắn: "Nguy cơ về xâm hại tình dục". Có một bé gái mới hơn 10 tuổi mà diễn xuất rất tốt. Tuy nhiên, độ tuổi của bé quá nhỏ nên trung tâm đã không chọn. Đến lúc lồng tiếng cho bộ phim, phải chọn vì cô bé diễn đạt nhất. Lúc hỏi chuyện, ông Thiên mới vỡ lẽ cô bé này không học kỹ năng về xâm hại tình dục ở đâu mà tự bản thân cô bé tìm hiểu được.

Qua hai ví dụ trên, bác sĩ Thiên nói: "Cuộc sống luôn xô đến các nguy cơ và chính các bé có khả năng nhận diện các vấn đề. Cho nên dù chúng ta nói chuyện giới tính hay không, chỉ là định hướng cho các bé đi theo con đường đúng".

Một băn khoăn của học sinh trong độ tuổi này. Ảnh: Phan Dương.

Thời gian gần đây khẩu hiệu: "Thà vẽ đường cho hươu chạy, còn hơn để hươu chạy lạc đường" đã thay đổi quan niệm về nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế chính những người vẽ đường lại chưa sẵn sàng, cởi mở, còn lúng túng và thiếu kỹ năng. Theo ông Thiên, thời điểm thích hợp nhất để nói với trẻ các vấn đề giới là trước thời điểm dậy thì. Từng đứa trẻ dậy thì khác nhau, nhưng thông thường nhất cha mẹ nên nói từ lúc con 9-10 tuổi. 

Cách nói chuyện với con:

- Đây là độ tuổi trẻ có những tâm sinh lý bất thường, đa phần trẻ sẽ tỏ ra ngại ngùng, xấu hổ, tự tìm hiểu thay vì nghe người lớn nói. Chính vì thế cha mẹ, thầy cô hãy luôn mở rộng vòng tay, chủ động quan sát, lắng nghe để hiểu tâm tư của trẻ.

- Luôn xem việc nói chuyện giới tính là nghiêm túc, thân mật và cởi mở. Tránh cách nói giáo điều, nghiêm túc hóa, hoặc trêu đùa, vòng vo, không thẳng thắn thì trẻ sẽ bỏ qua rất nhanh. 

- Nói chuyện giới tính một cách thẳng thắn và trung thực.

- Nói chuyện giới tính theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Ví dụ trẻ ở độ tuổi 12-13 tuổi mà hỏi chuyện tránh thai, có thể giải thích một cách ngắn gọn cho trẻ là tránh không để người khác có cơ hội đến gần hoặc đụng chạm vào bộ phận sinh dục. Khi trẻ 15-16 tuổi, có thể thẳng thắn nói đến vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn.

- Cha mẹ cũng cần trang bị kỹ năng nghe, nhìn, gợi hỏi. Khi biết con có vấn đề cần định hướng phải nói theo kiểu thương thuyết, giải thích. Tuyệt đối tránh la mắng, dọa nạt.

- Đặc biệt, phụ huynh cần chấp nhận một số điểm như trẻ tò mò hoặc có cảm xúc tình dục sớm... Đó là những điều tự nhiên của cơ thể, và không phải là lỗi của trẻ.

- Khi trao đổi những vấn đề nhạy cảm này cần tránh so bì hơn thua với trẻ.

Tại buổi tọa đàm, bác sĩ Phạm Vũ Thiên cũng giải đáp một số thắc mắc của học sinh hai trường THCS Lê Lợi và THCS Lý Thường Kiệt.

Một học sinh hỏi: "Cháu là con gái, rất thích mặc váy. Cháu thường mặc một chiếc váy ngắn để đi mua đồ nhưng có một chú cứ nhìn và theo dõi cháu suốt. Cháu rất lo lắng và đi thẳng về nhà. Chẳng lẽ trên đời này, con gái (đúng hơn là cơ thể con gái) lại dễ dàng thu hút con trai vậy sao? Liệu có nên bỏ mặc váy khi đi ra ngoài và mặc đồ kín đáo không? Tự bản thân cháu vẫn luôn ý tứ với cơ thể nhưng cháu vẫn rất lo. Cháu phải làm sao?".

Bác sĩ Thiên tư vấn, thường các bé gái mới lớn rất giữ gìn cơ thể, song cuộc sống phức tạp nên không bao giờ có thể lường hết các nguy cơ. Các bé luôn có quyền được mặc đẹp, nhưng khi mặc đồ có cảm giác an toàn hãy nên chọn để đi ra ngoài. Đừng chờ lúc có ánh mắt kỳ quái của ai đó hay họ có hành động mới bỏ chạy thì đã muộn. Thêm vào đó, dù mặc kín đáo hay không thì bản thân cơ thể con gái luôn là sự hấp dẫn với người khác giới, cho nên phải cẩn trọng.

Một trường hợp khác băn khoăn: "Một lần con muốn hiểu về phòng tránh thai. Con nói với bố mẹ thì bố mẹ bảo việc này con không cần biết". Chia sẻ của chuyên gia trong trường hợp này là, trước tiên trẻ cần nói với bố mẹ là tìm hiểu về vấn đề này để làm gì. Khi hiểu được lý do của trẻ, cha mẹ nên trả lời những thắc mắc tùy vào độ tuổi của con. Với bé gái này, chỉ cần giải thích ngắn gọn rằng nguyên tắc tránh thai là ngăn chặn trứng kết hợp với tinh trùng và việc của con là ngăn chặn không để người khác đến gần, đụng chạm vào cơ thể.

Phan Dương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]