Kỹ năng “săn” việc

Những điểm cơ bản nhà tuyển dụng thường chú ý? Những câu hỏi thường bị coi thường? Để có một công việc như ý muốn và thành công, SV cần hội đủ điều kiện gì?...

15.6004

Đó là những vấn đề được anh Trần Hữu Đức, chuyên viên tư vấn nhân sự Công ty tư vấn đào tạo BCC và anh Giản Tư Trung, chủ tịch HĐQT PACE trình bày và phân tích khá kỹ tại cuộc hội thảo "Kỹ năng săn tìm công việc" vừa được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM.

Sở thích + năng lực = công việc như ý

"Để có một công việc như ý muốn và thành công, SV cần hội đủ hai điều kiện là năng lực chuyên môn và sở thích", đó là lời khẳng định làm "nóng" cả hội trường với gần 2.000 sinh viên có mặt tại buổi hội thảo của anh Trần Hữu Đức, một chuyên gia nhân sự hàng đầu từng giữ chức giám đốc nhân sự của Pepsico, Ree, Bệnh viện Việt - Pháp. Năng lực chuyên môn thì đã rõ, còn sở thích vẫn là câu hỏi khó trả lời đối với đa số sinh viên hiện nay.

Để biết được sở thích của bạn là gì chỉ cần trả lời câu hỏi bạn muốn và thích gì. Có 7 việc sinh viên muốn làm là: tự chủ thu nhập, chuyên gia, quản lý trung cấp, tổng giám đốc, tích lũy tài chính, cuộc sống đơn giản và làm giàu.

Anh Đức đã đưa ra các giải pháp công việc phù hợp như đầu tư tài chính, thành lập công ty, đi làm hưởng lương, đi làm cho chính mình và đầu tư kiến thức. Mỗi giải pháp phù hợp với một hay nhiều sở thích nhất định để đạt được hiệu quả công việc cao nhất.

Anh Đức cũng cho biết: "Khi phỏng vấn có gần 99% sinh viên trả lời sẽ thành lập công ty riêng sau này nhưng đến câu hỏi lấy tiền ở đâu để làm việc đó thì không trả lời được". Vấn đề đặt ra là cần xác định được mục tiêu phấn đấu để chọn hướng đi phù hợp nhất.

Anh Giản Tư Trung lại chia sẻ về thực trạng thiếu hụt nhân lực hiện nay ở hầu hết các doanh nghiệp: "Gần đây, Trung tâm xúc tiến thương mại TP.HCM phối hợp với Báo Doanh Nhân Sài Gòn có làm một cuộc khảo sát với 2.700 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Kết quả  100% doanh nghiệp đều khẳng định hiện đang gặp khó khăn về vấn đề nhân sự trầm trọng".

Anh đặt ra vấn đề mỗi năm có hàng nghìn chục nghìn SV ra trường nhưng nhân sự vẫn thiếu hụt và đưa ra lý giải rằng SV mới ra trường vẫn chưa chứng minh được mình trước mắt nhà tuyển dụng.

Kỹ năng vượt "vũ môn quan"

Để bước vào giảng đường đại học, SV phải trải qua một kỳ tuyển sinh vốn rất căng thẳng, và muốn có một việc làm các SV lại một lần nữa "vượt vũ môn quan". Lần này kiến thức không vẫn chưa đủ mà đòi hỏi cần có kỹ năng, kinh nghiệm sống và đôi khi cả kinh nghiệm làm việc. 

Một thực tế cho thấy SV mới ra trường không có kinh nghiệm vì còn bận "học, học nữa, học mãi" mà quên việc cần tìm một công việc làm thêm bán thời gian. Làm thêm giúp SV vừa có kinh nghiệm, vừa có kỹ năng sống, làm việc và luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao với những điểm cộng trong mắt họ. Đó là một trong những điểm cơ bản nhà tuyển dụng thường chú ý.

"Bạn là ai? Từ đâu bạn biết đến việc ứng tuyển này? Bạn có gì đặc biệt? Bạn có thành tích gì nổi bật?... Đó là một số nội dung phải thể hiện được trong hồ sơ xin việc", anh Đức cho biết và đưa ra một ví dụ rất cụ thể như: "Tôi là một người trung thực. Tôi viết thư này theo quảng cáo tìm việc đăng trên báo. Tôi đã từng làm công việc bán thời gian khi còn trên giảng đường đại học. Tôi nói và viết thành thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật".

Phỏng vấn được xếp vào vấn đề "nhạy cảm" đối với hầu hết ứng viên vì đây vừa là phần khó nhất vừa là cơ sở để nhà tuyển dụng quyết định nhận một sinh viên vào làm việc. Anh Trung cho biết đã từng gặp những câu hỏi rất "chuối" khi đi tìm việc như "Bạn có người yêu chưa?", "Bạn muốn người yêu của mình như thế nào?"... và khẳng định có thể có những câu hỏi "tào lao" nhưng câu trả lời phải trung thực, nghiêm túc.

Anh Đức đã đưa ra 5 câu hỏi thường bị sinh viên coi thường dạng như: Bạn hãy nói về bản thân? Hoạch định nghề nghiệp cho tương lai của bạn là gì? Bạn hiểu thế nào về công việc mình đang dự tuyển? Bạn có điểm yếu nào không? Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?

"Hãy thể hiện bạn biết mình là ai, có giá trị hoặc điều gì độc đáo mà doanh nghiệp cần có, hoạch định công việc tương lai một cách nghiêm túc  và cần mô tả được một ngày làm việc tiêu biểu của ông việc bạn đang dự tuyển, biến điểm yếu thành thế mạnh", đó là lời khuyên của anh Đức dành cho những ứng viên khi gặp những câu hỏi như trên.

Cuối cùng anh Trần Hữu Đức đã đưa ra một lời khuyên khác làm hài lòng cả người khách quan và những ai bi quan: "Nếu tỉ lệ tìm được công việc như ý của bạn là 25%, tức nếu qua 75 lần thất bại tất phải tới lần thành công. Vậy thì cứ mỗi một lời từ chối sẽ đưa bạn đến đích công việc hơn một bậc. Nếu tỉ lệ thất bại khi tìm việc là 99%, bạn cần gởi hồ sơ đến 100 công ty thì chắc chắn có ít nhất một công ty tuyển bạn".

Theo Ngô Phi Bay
Tuổi Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]