Kỹ năng, trải nghiệm – khóa học của con nhà giàu

TPO - Với mức học phí nhiều triệu, các khóa kỹ năng, học kỳ quân đội, trải nghiệm... dường như chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện kinh tế ở thành phố. Không ít gia đình đã “khoán trắng” con mình cho các trung tâm, đỡ phải đau đầu suy nghĩ việc quản lý con.

0
Mỗi năm có hàng nghìn học sinh được rèn luyện, trưởng thành qua các khóa HKQĐ. Ảnh Hà Thanh.

Nhờ người ngoài dạy tình yêu thương

Hứa Phú Trọng (sinh năm 2003), trường quốc tế Wellspring được bố là một đại gia đóng tiền cho theo khóa Học kỳ quân đội (HKQĐ) do Trung tâm Thanh thiếu nhi (TTN) Trung ương tổ chức. Nộp tiền và giao con xong, bố Trọng mải mê với việc kinh doanh, “khoán trắng” cậu ấm cho Trung tâm. 

Ở nhà, Trọng quen nếp tự do muốn gì được mấy nên khi nhập lớp, cậu ấm này không tuân theo bất cứ kỷ luật nào của khóa học. 3 ngày đầu, Trọng liên tục kêu đau bụng và nằm lỳ ở phòng y tế. Các giảng viên của trung tâm phái hết sức khéo léo “tâm lý chiến” tối ngày với cu cậu mới tháo được vấn đề. 

Trọng chia sẻ, ở nhà không ai quan tâm đến em, em phá phách hay vô kỷ luật cũng không ai ngó ngàng tới. Trong mắt bố, em là “kẻ bỏ đi, chả được tích sự gì vì học dốt, nghịch ngợm”, Trọng buồn bã kể. 

Khi được các thầy cô, chuyên gia tâm lý và bạn bè khích lệ, Trọng thể hiện hết khả năng là người có nhiều tài lẻ, tiếp thu nhanh, đam mê khoa học và giỏi … Cuối khóa học, Trọng trở thành thành viên tích cực và trở về trường học phát huy hết khả năng của mình cho dù ở nhà em vẫn chưa được gia đình quan tâm đúng mức. 

Ghi nhận của chúng tôi tại các Trung tâm hoạt động TTN, tình trạng phụ huynh gửi con theo các khóa kỹ năng, HKQĐ kiểu “khoán trắng” không hiếm. Thậm chí, một số phụ huynh gọi điện đăng ký cho con tham gia HKQD (10 ngày) hỏi: “Có lớp nào dài ngày hơn không, 1 tháng , 2 tháng cũng được để cho nó đi luôn, ở nhà không ai quản lý nó cả...”. Đa số phụ huynh khi tìm các khóa HKQĐ hè ban đầu cũng có tâm lý “tìm chỗ cho nó sinh hoạt, khỏi phải ở nhà chơi game hay đi lang thang, tụ tập bạn bè”.

Anh Phan Thành Hổ, Trung tâm TTN miền Nam cho biết: “Khi phụ huynh đến đăng ký tại Trung tâm, xem các chương trình học tập và sinh hoạt của các em thì rất nhiều người đã thay đổi tâm lý. Chương trinh có nhiều nội dung có liên quan đến cha mẹ như viết thư, nhận thư, cùng sinh hoạt một đêm với các em ... nên dần dần, cha mẹ cũng gắn bó với các em hơn. Và đó cũng là một trong những mục tiêu của các chương trình kỹ năng sống của Trung tâm: Không chỉ làm thay dổi các em, mà còn thay đổi cả những suy nghĩ của cha mẹ về trách nhiệm đối với con cái...” 

Anh Minh, 12 tuổi (Quận Tân Bình, TPHCM) thành viên khóa HKQĐ Đồng Khởi năm 2014 khiến cả gia đình lo lắng, định xin rút vì em tỏ thái độ chống đối. Minh không chịu tham gia các hoạt động, tuyệt thực và không chịu ngủ. Chuyên gia tâm lý cho mời ông bà nội của Minh, người hàng ngày yêu chiều em để ông bà cùng tham gia hoạt động chung với lớp! Ngay ngày hôm sau, xấu hổ với các bạn, Minh nói với ông bà về nhà đi, đơn giản cu cậu không muốn bạn bè chê nhõng nhẽo. Từ đó, Minh tham gia rất vui vẻ các hoạt động của lớp. Thậm chí còn trở thành chiến sỹ xuất sắc cuối khóa. Hè này, Minh chủ động đăng ký tham gia HKQĐ lớp nâng cao. Mẹ Minh chia sẻ, em muốn rèn luyện thêm tính tự lập, Minh còn rủ các bạn trong lớp cùng tham gia. “Giờ Minh chững chạc, trưởng thành vượt bậc”, mẹ Minh nói. 

Ghi nhận tại các Trung tâm TTN, nhiều bạn trẻ con nhà giàu được bố mẹ đóng tiền cho theo HKQD, lớp kỹ năng nhưng vào lớp thì có thái độ chống đối, không tuân theo kỷ luật của khóa học do đã quen được nuông chiều, nhưng chỉ ít ngày sau, các em dần hòa mình vào tập thể cùng với những phương pháp tác động tâm lý, các anh chị phụ trách cũng dần thay đổi những phản ứng này đồng thời biết sống yêu thương, có trách nhiệm hơn…

Anh Hổ cho biết, cũng có trường hợp bị đào ngũ vì không chịu sinh hoạt trong môi trường tập thể, không tự chăm sóc bản thân được, nhất là không chịu bỏ games online. Có những em giả vờ đau ốm, thậm chí ngất đi để cha mẹ lên đón về, lúc về nhà, phụ huynh mới phát hiện ra con mình nói dối vì sợ rèn luyện. 

Các hoạt động tập thể rèn kỹ năng sống do Trung tâm TTN Trung ương tổ chức. Ảnh: Anh Tú.

Học phí không phải chuyện đùa

Trung tâm Tâm Việt hè này có 4 chương trình dành cho giới trẻ tuổi từ 6 đến 17 tuổi. Hai chương trình HKQĐ và kỹ năng sinh tồn có thời gian từ 10 ngày có mức học phí gần 6 triệu/học viên. Lớp học 10 buổi kỹ năng sống tổ chức tại trung tâm có giá gần 1,5 triệu. Đặc biệt, chương trình tu rèn (lên chùa) với thời gian từ 3 – 6 ngày, Trung tâm không đưa ra mức giá cụ thể mà các gia đình “tùy tâm” đóng góp.

Chị Đỗ Nhật Giang ở quận Hoàn Kiếm từng cho con theo khóa HKQĐ năm 2014, năm nay cho cháu theo khóa tu rèn tại chùa cho biết, dù Trung tâm để mức giá “tùy tâm” nhưng mình cũng đóng 4 triệu vì nghe nói nếu tiền thừa sẽ mua thêm đồ trang bị cho chùa…

“Tôi hay nói với cha mẹ các em rằng: “Tiền bạc chúng ta có thể kiếm, thiếu tiền một chút chúng ta cũng không thể chết đi, nhưng con cái nếu không còn hay thiếu thốn tình yêu thương cho nhau trong gia đình thì đó là mất mát lớn”

Anh Phan Thành Hổ

Với mức học phí thường cao nhất trong các trung tâm rèn luyện kỹ năng nói chung, một giáo viên của Tâm Việt chia sẻ, các khóa đào tạo như vậy đúng là chỉ dành cho con nhà giầu. Vì thế, việc phục vụ các cậu ấm, cô chiêu cũng gắn với nhiều gian nan, vất vả, nhất là tính tự giác, tự chủ trong từ sinh hoạt hàng ngày cho đến việc tuân thủ kỷ luật. “Không ít em coi việc bố mẹ đóng thật nhiều tiền để em đi du ngoạn, hưởng thụ sự chăm sóc chứ không phải tuân theo chương trình rèn luyện gian nan, vất vả”, vị giáo viên cho biết.

Các chương trình HKQĐ, kỹ năng tại các trung tâm của T.Ư Đoàn, hệ thống đoàn trên cả nước không mang tính kinh doanh nên học phí thường được giảm đến mức tối đa, thường dao động từ 3 – 3,5 triệu/học viên với học kỳ 10 ngày bao gồm ăn ở, đi lại… 

Anh Bùi Ngọc Minh, Phó GĐ Trung tâm TTN Trung ương cho biết, dù giảm tối đa các chi phí, thậm chí trung tâm tự chi tiền đi lại cho các giáo viên, kêu gọi sự tham gia của tình nguyện viên, nhưng với mức học phí này, con em công nhân, nông dân khó có cơ hội theo học và trải nghiệm.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]