Lại bệnh “cận thị”

Thời điểm 5/10 đang đến gần. Nếu xem đó là giờ G, thì lại là giờ G phiền muộn đối với hàng chục triệu người đang dùng điện thoại cố định trên toàn quốc, vì họ sắp rơi vào... bể khổ phải đổi số điện thoại.

15.5725

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/10, các thuê bao điện thoại cố định của VNPT sẽ đổi số. Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng lên 8 số với việc thêm số 3 vào trước dãy số hiện tại, 62 tỉnh thành còn lại tăng lên 7 số và thêm số 3 phía trước dãy số hiện tại. Từ ngày 26/10, các nhà cung cấp dịch vụ khác cũng sẽ đổi số, bằng cách thêm 1 chữ số vào trước dãy số hiện tại.

Cụ thể, EVN thêm đầu số 2, VTC thêm đầu số 4, SPT thêm đầu số 5, Viettel thêm đầu số 6, và FPT sẽ thêm đầu số 7 khi ra mắt dịch vụ điện thoại cố định. Đối với khách hàng của VNPT, trong thời gian hai tuần kể từ ngày 5/10, khách hàng chưa quen với số mới vẫn có thể gọi theo số cũ, đồng thời tổng đài có chế độ thông báo để nhắc nhở khách hàng số điện thoại mới.

Sau thời gian trên, nếu khách hàng vẫn gọi theo số cũ, thì tổng đài sẽ nhắc nhở hoặc báo hiệu bằng tiếng tút ngắn. Tuy nhiên tại một vài nơi, hệ thống của VNPT không áp dụng được cách gọi song song hai số trong hai tuần đầu đổi sang số mới, người sử dụng sẽ gặp nhiều phiền hà hơn.

Về nguyên tắc, số mới rồi cũng thành quen. Vấn đề là thời gian và những xáo trộn ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc của người dùng, đồng thời cũng tác động đến lưu lượng cuộc gọi của doanh nghiệp. Cần biết rằng, năm 1996 VNPT đã từng đổi số. Hồi ấy VNPT thêm vào đầu số 8, nhưng công việc diễn ra khá suôn sẻ vì tổng số thuê bao chỉ khoảng 1 triệu.

Nay đã khác, chỉ tính lượng thuê bao điện thoại cố định của VNPT đã tăng gấp mười so với ngày ấy. Bây giờ số nhà cung cấp dịch vụ cũng đã tăng lên. Việc phân đầu số riêng cho từng nhà lại thêm phần xáo trộn và phiền hà đối với người gọi.

Việc thay đổi số điện thoại-thực chất là thêm một chữ số vào phía trước, là khó tránh khỏi khi người sử dụng tăng mạnh. Tuy nhiên vấn đề là tại thời điểm này, việc đổi số vẫn cứ làm theo tầm nhìn ngắn. Chỉ thêm một con số vào trước dãy số hiện hữu, hầu như không tính đến khả năng dự phòng khi thuê bao phát triển mạnh trong những năm tới, sẽ khiến phải một lần nữa thay đổi số điện thoại.

Ở nhiều nước, dân số dù không nhiều bằng VN, nhưng việc qui hoạch số điện thoại được tính toán cho đường dài, dãy số điện thoại đạt đến 9, 10 chữ số. Như thế người dùng chỉ phải cố ghi nhớ một lần nhưng tránh được “nỗi khổ” cứ mươi năm lại bị thay đổi số, thêm phiền phức mới.

Với cách đổi số sắp thực hiện, liệu sẽ thêm bao nhiêu lần đổi số nữa trong tương lai gây phiền phức đối với người sử dụng? Liệu có khả năng, chỉ một vài năm nữa, ngành thông tin truyền thông lại phải qui hoạch lại số điện thoại sắp thay đổi?

Ngành CNTT-VT là ngành có tốc độ phát triển nhanh, đòi hỏi phải đi trước các ngành khác nhiều bước nhằm đáp ứng sự phát triển trong tương lai. Thế nhưng chuyện đổi số cho thấy ngành này cũng mắc bệnh “cận thị”, làm khổ bao người.

THỤY LÂM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]