Lại xôn xao chuyện giảm cân để... ăn Tết

DƯỢC PHẨM.- Những ngày trước Tết, nắm bắt tâm lý và nhu cầu làm đẹp của những phụ nữ có thân hình không được thon thả như ý, trên thị trường lại xuất hiện nhiều loại thuốc (tân dược) giảm cân. Đáng chú ý là các loại thuốc giảm cân nhanh nhưng lại gây nhiều tác hại. TS-DS Nguyễn Hữu Đức - giảng viên Trường ĐH Y Dược TPHCM, qua thư hỏi của khá nhiều bạn đọc, lại một lần nữa lên tiếng cảnh báo

15.599

Trong số các loại thuốc giảm cân, có loại gây cảm giác đói, người dùng thuốc ăn mất ngon và không muốn ăn, do ăn không được và có thể ngủ không được nên sẽ gầy ốm. Loại thuốc này có thể nguy hiểm vì gây nghiện, tạo ra tâm trạng buồn chán khi không dùng thuốc, thậm chí người dùng có xu hướng muốn tự tử...

Hãy cân nhắc trước khi dùng thuốc!

Chúng tôi có nhận được thư, có khi kèm theo mẫu thuốc, hỏi có phải là thuốc giảm cân chống béo phì và nếu dùng lâu dài có tác hại gì hay không? Có thư chỉ nêu độc nhất tên thuốc không có thông tin nào khác, như trường hợp em Nguyễn Thanh Phong hỏi về Achyvanta, chúng tôi tìm trong nhiều từ điển, danh mục thuốc nhưng không thấy tên thuốc đó nên không biết đó là loại thuốc gì. Có bạn đã gửi cho chúng tôi một viên thuốc là viên nang cứng nhưng nhờ có in tên thuốc là Xenical 120 là thuốc đang lưu hành ở nước ta nên có thể xác định đó là loại thuốc làm giảm cân... Rõ ràng, đang có nhiều loại thuốc lưu thông trên thị trường.

Trước khi tính đến chuyện dùng thuốc, cần xác định nguyên nhân đưa đến béo phì. Có thể kể các nguyên nhân như sau:

1. Ăn uống quá nhiều chất sinh ra năng lượng như chất đường (đặc biệt loại tiêu thụ nhanh), chất béo nhưng thiếu sự vận động thích hợp để tiêu bớt năng lượng đó đi, năng lượng thừa được tích trữ lại thành dạng mỡ gây mập.

2. Rối loạn sự biến dưỡng, sự hoạt động của một số hệ enzym trong cơ thể (như enzym ATLPL: Adipose Tissue Lipoprotein Lipase).

3. Rối loạn hoạt động tuyến nội tiết như tuyến giáp (nhược giáp), tuyến não thùy, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận.

4. Do thuốc: như dùng liều cao glucorticoid trong thời gian dài.

5. Do gien: Hiện nay người ta đã phát hiện có một gien gọi là gien béo phì (obese gene) điều khiển sự tổng hợp leptin, một hoóc-môn giúp chuyển hóa phân hủy mỡ, nếu gien này bị đột biến sẽ đưa đến tình trạng thiếu hoặc kháng leptin gây béo phì.

Nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân phổ biến, cho nên phương cách chống béo phì chủ yếu là:

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Giảm chất béo, bột, đường, thêm rau quả. Mỗi ngày ăn giảm 500 kcal để chỉ thu nhận khoảng 1.200 kcal/ngày có thể làm giảm thể trọng khoảng 0,5 kg/tuần.

- Hoạt động thể lực: Năng vận động, tập thể dục, chơi thể thao với cường độ và thời lượng tập thích đáng (ít nhất 60 phút mỗi ngày).

Giảm cân nhanh nhưng nhiều tác hại

1) Đó là các thuốc chứa Amphetamin hoặc các dẫn chất tương tự Amphetamin: Benzedrine, Phenamin, Mirapront N, Isoméride, Didrex, Anorex, Tepanil, Adifax, Pondéral... Thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương gây kích thích (làm cho khó ngủ), làm giảm cảm giác đói. Người dùng thuốc ăn mất ngon và không muốn ăn, do ăn không được và có thể ngủ không được nên sẽ gầy ốm. Thuốc loại này có thể nguy hiểm vì gây nghiện (người nghiện ma túy thường kết hợp dùng thêm thuốc kích thích này cũng như người nghiện thuốc gây chán ăn sẽ dần dần sử dụng luôn ma túy); gây tâm trạng chán nản khi thôi dùng thuốc (có xu hướng tự tử). Chống chỉ định: Bệnh tim mạch, cao huyết áp... Thuốc được bác sĩ chỉ định trong thời gian ngắn (không dùng thuốc quá 4 tuần) đối với người bị bệnh béo phì thuộc loại trung bình hoặc nặng và khi chế độ ăn kiêng áp dụng không có hiệu quả. Việc sử dụng thuốc được theo dõi kỹ tại bệnh viện.

2) Một loại thuốc cũng có tác dụng kích thích gây chán ăn là thuốc thuộc nhóm cường giao cảm, gồm có: phenylpropanol - amin (viết tắt PPA), ephedrin, pseudoephedrin. Hiện nay nhiều nước đã cấm dùng PPA làm thuốc giảm cân do thuốc này có liên quan đến việc gây tai biến mạch máu não (chảy máu não và màng não) ở một số người dùng PPA làm thuốc giảm cân. Gần đây, ở Mỹ đã xảy ra các tai biến gây chết người do việc dùng chế phẩm giảm cân chứa ma hoàng (vị thuốc đông y có tên ephedra chứa ephedrin).

Ở ta, chúng tôi ghi nhận có tình trạng dùng thuốc lén lút có tên Roseca, thực chất chứa hoạt chất PPA rất nguy hiểm.

Hiện nay ở VN còn có lưu hành thuốc mới orlistat với tên biệt dược là xenical (loại thuốc bạn đọc đã hỏi). Thuốc này không hấp thu vào máu nên ít gây nguy hại, không tác động trên hệ thần kinh trung ương mà chỉ ức chế hoạt tính của lipase là loại men chuyển hóa mỡ ở ruột, vì vậy sẽ làm giảm sự hấp thu chất béo (mỡ) từ ruột vào máu.

 Những loại thuốc giảm cân đã bị cấm

. Năm 1995, ở Pháp: Isoméride và Pondéral bị cấm vì gây tăng huyết áp ở phổi và làm tổn thương van tim.

. Năm 1999, Cộng đồng châu Âu: Cấm Anorex, Prefamone, Tenuate Dospan, Moderatan, Fempoporex, Dinitel, Lincital do gây nhiều tác dụng phụ lại tỏ ra không hữu hiệu trong trị liệu béo phì.

. Ở VN, ngày 24-9-1997, Cục Quản lý Dược thông báo (số 28/QLD-QĐ) rút số đăng ký biệt dược gây chán ăn Adifax (Fenfluramine) và Pondéral (Dexfenfluramine) do nhà sản xuất báo cáo thuốc gây một số biến chứng về tim mạch.

Mới đây, báo chí có thông tin đã xảy ra tai biến gây chết người ở Nhật, Singapore, Trung Quốc do phụ nữ muốn giảm cân đã dùng thuốc đông dược giả mạo có chứa Dexfenfluramine.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]