Làm du lịch kiểu nhà giàu

Làm du lịch bài bản và hiệu quả, các nước phát triển đang là những điểm đến thu hút nhiều du khách nước ngoài ngày cả trong khủng hoảng.

15.6028

Khi nghe nói tới công nghiệp du lịch, chúng ta thường nghĩ ngay tới những nước đang phát triển. Nhưng trên thực tế, chính những nước phát triển mới là những nước làm du lịch bài bản và hiệu quả hơn cả. Du lịch không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho ngân quỹ, tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn mở ra những cơ hội tuyệt vời cho các ngành công nghiệp khác.

Làm du lịch hiệu quả

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, 10 nước có doanh thu cao nhất từ du lịch năm 2008 là Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Trung Quốc, Đức, Anh, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo.

Các nước này cũng nằm trong nhóm 10 nước thu hút nhiều du khách quốc tế nhất năm 2008 với những con số trong mơ. Pháp đón 79,3 triệu lượt khách, thu 55,6 tỉ USD; Mỹ đón 58 triệu khách nhưng thu tới 101,1 tỉ USD; Tây Ban Nha thu 61,6 tỉ USD; Trung Quốc 40,8 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thu tới 22 tỉ USD từ 25 triệu lượt khách. Có trường hợp số tiền người dân chi tiêu cho du lịch nhiều hơn thu vào như Đức thu được 40 tỉ USD nhưng chi tới 91 tỉ USD; Anh thu 36 tỉ USD, chi 68,5 tỉ USD…

Cuối năm 2008, khi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, các nước phát triển đã mau chóng lập kế hoạch đối phó và chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng. Do vậy, theo Báo cáo thường niên về Cạnh tranh trong Lữ hành và Du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, công bố vào tháng 5.2009, top 10 vẫn là các nước phát triển. Đó là Thụy Sĩ, Áo, Đức, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mỹ, Úc và Singapore.

Báo cáo này đánh giá hoạt động của 133 quốc gia trong việc tạo môi trường hấp dẫn để phát triển công nghiệp lữ hành và du lịch dựa trên các chỉ số cạnh tranh về lữ hành và du lịch hằng năm. Trong khối Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) thì Singapore có sự cải thiện môi trường du lịch tốt nhất. Năm 2008, nước này xếp hạng 16. Thái Lan từ hạng 42 lên 39, Malaysia trụ hạng 32, Indonesia tụt một hạng, xếp thứ 81. Việt Nam cũng được thăng từ hạng 96 lên 89.

Lợi thế lớn nhất của các nước phát triển khi làm du lịch là biết rất rõ nhu cầu của du khách bởi lẽ người bản xứ cũng thường xuyên đi du lịch. Để thu hút khách thời kinh tế khó khăn, ngành du lịch Pháp kêu gọi dân Pháp cười nhiều hơn, tích cực tỏ thái độ thân thiện với du khách các nước, đẩy mạnh khai thác những đặc thù của Pháp như tour học cách thử và đánh giá rượu vang, tour khám phá các nhà hàng đặc sản tại các địa phương như Provence. Na Uy có thiên nhiên xanh tươi và hùng vĩ, tiếp thị mạnh mẽ các tour dã ngoại trong mùa hè, tour trượt tuyết mùa đông đến các nước láng giềng. Thụy Sĩ khai thác thế mạnh là địa điểm nghỉ dưỡng truyền thống của châu Âu để quảng bá hình thức du lịch chống stress thời khủng hoảng.

D9oán đúng tâm lý du khách

Một điển hình cho phát triển du lịch trong thời kinh tế suy thoái là Thụy Điển. Từ năm 1993 đến 2008, doanh số của ngành du lịch Thụy Điển đã tăng gấp 3 lần. Đến năm 2009, doanh thu từ du lịch đã vượt số chi, do số du khách tới đây tăng vọt; chỉ riêng số khách từ Đan Mạch đã tăng 50%.

Do tỉ giá quy đổi đồng krona Thụy Điển sang USD rất thấp so với đồng krone Đan Mạch, Thụy Điển đã kết hợp các ngành vận chuyển, thương mại để mở những tour du lịch mua sắm cho khách Đan Mạch, nhất là vào mùa Giáng sinh và các đợt bán hàng giảm giá. Họ còn nhanh chóng cải tạo các bãi biển phía Nam thành khu du lịch bãi biển nhiệt đới với cát vàng và cây cọ nhập khẩu, thu hút rất đông du khách từ Đức, Đan Mạch, Phần Lan… trong mùa hè.

Theo gương nước láng giềng, Đan Mạch cũng đã và đang tận dụng cơ hội là nước chủ nhà của các cuộc hội thảo, hội nghị về môi trường trong các năm 2009, 2010 để thu hút du khách với hình ảnh một đất nước thân thiện với môi trường, từ thiên nhiên cho đến lối sống.

Các nước phát triển cũng hết sức nhạy bén trong việc đoán ý khách. Nắm được ý nhiều người muốn có một hôn lễ đáng nhớ và độc đáo của nam nữ Tây Âu, các hãng lữ hành tại đây đã mở tour du lịch kết hôn. Đám cưới có sự chứng kiến của… nữ diễn viên Marilyn Monroe hay ca sĩ Elvis Presley tại Las Vegas, trong lâu đài của tiểu thư Juliet ở Verona, cưới theo nghi thức của đạo Bà La Môn tại Ấn Độ, rước dâu trên lưng voi tại Phuket (Thái Lan)… Mọi màu sắc lãng mạn, thơ mộng… đều có đủ.

Tựu trung chìa khóa thành công của các nước phát triển trong khai thác du lịch vẫn là tôn chỉ “Khách hàng là Thượng đế”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]