Làm gì để bé không ghen tị với em

(Làm Mẹ) - Ghen tị là một trạng thái tình cảm hết sức tự nhiên và bình thường ở trẻ nhỏ, khi lần đầu tiên trong nhà có thêm em bé. Bởi chúng thường có suy nghĩ rằng cha mẹ là của riêng mình và không muốn chia sẻ sự quan tâm cũng như tình yêu của cha mẹ với người khác. Vậy bố mẹ trẻ nên giải quyết như thế nào trong trường hợp này?

31.1985

1. Chuẩn bị tinh thần “đón em” cho con

3 - 4 tháng trước khi sinh, hãy nói với con thật chân thành và thẳng thắn về sự xuất hiện sắp tới của một em bé nữa trong nhà. Đây là thời điểm tốt nhất vì bé đã có thể nhận biết những thay đổi: bụng mẹ đủ to để chứa một em bé trong đó, em bé đang đạp và cử động trong bụng mẹ. Không nên nói sớm hơn vì bé có thể sẽ quên sự kiện trọng đại này.

Song song với việc thông báo, bạn nên giúp con hình dung những thay đổi có thể xảy đến khi em bé chào đời, ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến con (kể cả tích cực và không tích cực).

Động viên con đặt nhiều câu hỏi liên quan đến em và nói cho bố mẹ biết con cảm thấy thế nào. Thường xuyên trấn an con rằng không gì có thể ảnh hưởng đến tình yêu của bố mẹ dành cho con.

2. Duy trì nề nếp sinh hoạt

Cố không làm cho cuộc sống của trẻ thay đổi nhiều khi có em bé. Hãy rèn luyện nề nếp đi vệ sinh và cho trẻ đi nhà trẻ trước khi sinh em bé.

3. Giải thích những điều sẽ xảy ra

2 tuần trước khi sinh, bạn chuẩn bị trước cho con về sự vắng mặt sắp tới của mẹ. Cùng “thảo luận” rõ ràng với con về những điều sắp đến vì dù có thể bạn chỉ ở viện 1 - 2 ngày, nhưng bé vẫn sẽ rất buồn và nhớ mẹ.

Nếu có ý định mời người thân, họ hàng, hay người giúp việc đến trông con khi bạn đi sinh, tốt nhất nên đón họ đến ở cùng gia đình trước đó 1, 2 tuần. Nếu được, hãy cho con đến bệnh viện sau khi em bé thứ hai ra đời, để bé có cảm giác mình cũng là phần quan trọng của một “gia đình lớn” từ giờ phút thiêng liêng này.

4. Quan tâm và dành thời gian cho trẻ

Cố gắng không để em bé chiếm hết thời gian của bạn. Hãy dành thời gian âu yếm, quan tâm đến trẻ. Cố gắng duy trì thói quen vui chơi, hay đọc truyện cho trẻ nghe như trước đây.

5. Cho trẻ tham gia chăm sóc em bé

Hãy nhờ con mang khăn tắm cho em, “đẩy xe” cho em đi dạo (tất nhiên bạn vẫn là người điều khiển chính). Nếu con bạn muốn được bế em, hãy cố gắng để bé được làm điều đó. Có thể cho con ngồi lên ghế, kê gối ở bên rồi đặt em lên lòng con. Nhớ canh chừng cẩn thận để chắc chắn không có gì nguy hiểm.

6. Chấp nhận thái độ ganh tỵ hoặc hành vi thoái lui của trẻ

Hãy chấp nhận những kiểu ứng xử như em bé của trẻ nhưng luôn khẳng định rằng trẻ đã lớn, thông minh và ngoan hơn em bé nhiều như: biết cách cư xử, mặc quần áo và biết ca hát… Nói với trẻ rằng, em bé hay khóc và cứ đòi ăn y như trẻ lúc mới sinh vậy. Lớn lên, bé chắc sẽ ít khóc và ngoan như trẻ bây giờ.

7. Sẵn sàng đón nhận thái độ phá bĩnh

Lúc đầu có thể trẻ sẽ rất háo hức đón nhận em bé, nhưng vài tuần sau trẻ có thể nghĩ rằng em bé đang giành lấy mẹ của mình và bắt đầu trở chứng quấy nhiễu. Bạn cần phải kiên nhẫn và thấu hiểu tâm lý trẻ. Hãy bảo trẻ rằng, trẻ đang có được nhiều điều hơn hẳn em bé vì trẻ đã biết cách giúp đỡ mẹ, đồng thời đang cố chăm sóc cho em bé lớn thật nhanh để cùng chơi với trẻ.

8. Xử lý khi bé đánh em

Đừng ngạc nhiên nếu đứa con lớn của bạn đánh hay ném vật gì đó vào em. Nếu đủ lớn, nhóc sẽ còn làm việc này “tinh tế” hơn bằng cách làm ra vẻ như đó là một “tai nạn” vô tình.

Đây là hành vi bình thường và không khó để nhận ra. Hãy ngăn chặn từng bước một. Những lúc chỉ có bạn và con, hãy động viên bé thổ lộ những cảm xúc giận dữ, ghen tị. Nói cho bé hiểu có cảm giác như vậy không có nghĩa là bé hư nhưng vì những cảm giác đó mà đánh em thì chắc chắn là không chấp nhận được.

Khi bé đánh em, bạn không nên chế giễu hay đét đít bé, làm vậy bé sẽ “trả thù” em khi không có mặt mẹ. Cách tốt nhất, hãy nói ngay: “Con làm vậy là xấu. Em bé có đánh con đâu, và con lớn hơn em cơ mà”. Cho bé thời gian để suy nghĩ về hành động của mình.

Bởi bé chưa thể chấp nhận ngay những lời dạy của mẹ, tốt nhất trong vài tuần sau đó bạn nên “đề phòng”, để mắt đến đứa con nhỏ, cất hết những vật sắc, nặng đề phòng đứa lớn đánh em. Cố gắng không cho đứa lớn thấy sự đề phòng này, tránh cho nó nghĩ mình không được bố mẹ tin tưởng.

9 .Giao nhiệm vụ cho cả hai

Hãy tìm cơ hội khiến hai đứa trẻ phải “hợp tác” với nhau để hoàn thành một mục đích công việc. Ví dụ bạn bảo các con cùng xếp đồ chơi vào giỏ, giúp nhau chuẩn bị áo quần đi chơi công viên.

Khi các bé chơi cùng nhau, hãy bảo đảm rằng trò chơi không mang tính ganh đua, ví dụ để bé chơi “nấu cơm”, chơi “bán phở”, chơi trò bác sĩ khám bệnh hay chơi làm cô giáo.

10. Cách ly khi cần thiết

Sẽ có những giai đoạn bọn trẻ chơi với nhau rất ngoan nhưng đến lúc lại chí chóe suốt cả ngày. Vào thời điểm “hỗn loạn” ấy, tách bọn trẻ ra là biện pháp hữu ích. Đó là lý do bạn cần bổ sung vào lịch của các con “ngày của bố” và “ngày của mẹ”. Trong những ngày đặc biệt này, đứa lớn sẽ chơi riêng với bố trong khi đứa nhỏ chơi với mẹ hoặc ngược lại.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]