Làm gì để khơi thông dòng vốn FDI?

ÐẦU TƯ.- Việt Nam cần phải sửa đổi khoảng 148 bộ luật trong vòng 3 - 4 năm tới Ðầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN đã chững lại vài năm nay lại gặp phải thách thức cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là từ Trung Quốc sau khi thị trường có hơn 1,2 tỉ dân này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

15.614

Thế nhưng, theo báo cáo đầu tư thế giới 2002 do Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố ngày 18-9-2002, số lượng FDI có quan trọng song không quan trọng bằng chất lượng FDI.

FDI vào Việt Nam sút giảm: Không phải ngoại lệ

Luồng vốn FDI vào VN đang sa sút không phải là điều bất bình thường nếu nhìn rộng ra bình diện toàn cầu. Báo cáo của UNCTAD cho biết, vốn FDI trên toàn cầu năm 2001 giảm tới 51% so với năm trước, chỉ đạt 735 tỉ USD. Ðây cũng là mức sút giảm kỷ lục của luồng vốn FDI trên thế giới trong vòng 30 năm qua. Mức sút giảm tại nước phát triển tệ hại hơn nhiều so với mức sút giảm tại các nước đang phát triển, 59% so với 14%. Nguyên nhân của việc vốn FDI luân chuyển trên thế giới giảm kỷ lục trong 30 năm qua là do sự sa sút của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản... và tác động của sự kiện 11-9  tại nước Mỹ.

Vì thế, theo ông Robert Glofcheski, chuyên viên kinh tế trưởng, thường trú của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), việc nguồn vốn FDI vào VN sút giảm cũng không phải là ngoại lệ.

Những tín hiệu tích cực

 Số vốn đầu tư nước ngoài vào VN theo cam kết tuy có giảm nhưng tốc độ giải ngân của các dự án FDI lại gia tăng, đạt tới hơn 2,3 tỉ USD trong năm 2001. UNCTAD xếp VN vào nhóm các quốc gia có tỉ lệ thực hiện vốn FDI cao trên thế giới. Theo tổ chức này, tỉ trọng thực hiện FDI/GDP của VN cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới. Năm 2001, VN xếp hạng 20/140  nước về thực hiện vốn FDI, tăng khá nhiều so với xếp hạng 53/120 nước cách đây 10 năm. Tín hiệu đáng mừng nhất đối với VN là chất lượng nguồn vốn FDI đã được nâng cao rõ rệt so với thập niên 90 của thế kỷ trước.

Ông R. Glofcheski đánh giá cao khả năng lựa chọn nguồn vốn FDI của VN, chú trọng tới cơ cấu và nguồn vốn giúp tạo nhiều việc làm và thúc đẩy xuất khẩu. Chạy theo số lượng FDI có thể khiến nền kinh tế quốc gia phải trả giá, có thể làm mất cân đối đầu tư, thậm chí dẫn tới khủng hoảng như trường hợp gia tăng đột biến các khoản đầu tư ngắn hạn ở Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc... Hiện nay, sản phẩm của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở VN đã chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đang gia tăng. Tuy nhiên, vốn FDI chỉ mới trực tiếp tạo ra được số việc làm chiếm 0,3% tổng chỗ làm ở VN.

Ðể cạnh tranh hiệu quả, thu hút nhiều hơn FDI

Với số vốn đổ vào hiện nay, FDI mới chiếm 3 - 4% GDP của VN, song FDI có ý nghĩa hơn nhiều nếu biết rằng vốn FDI hiện chiếm 25% tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế VN. Hay nói cách khác, FDI có ảnh hưởng quan trọng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN.

VN có tiềm năng thu hút nhiều hơn vốn FDI, nhưng có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến nguồn vốn này vẫn đang chảy dè dặt vào VN. Theo chuyên gia kinh tế trưởng  của UNDP tại VN, VN có thể vừa gia tăng số lượng cũng như chất lượng FDI nếu tập trung cải thiện những lĩnh vực sau: hạ thấp chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài như chi phí viễn thông, bến cảng, vận chuyển, xóa bỏ nhanh chế độ hai giá, giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên người Việt, giúp công ty nước ngoài hoàn thuế GTGT nhanh... Cải thiện cơ sở hạ tầng như cung cấp điện, nước... Ðể có thể gia nhập WTO, VN cần phải xây dựng, sửa đổi khoảng 148 bộ luật trong vòng 3- 4 năm tới.

 

Phạm Dương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]