Làm gì để không mắc?

SKĐS - Mùa mưa lũ gây ra biết bao thiệt hại về người và tài sản ở nhiều nơi.

15.6009

Mùa mưa lũ gây ra biết bao thiệt hại về người và tài sản ở nhiều nơi. Đặc biệt sau mưa, lũ, lụt có rất nhiều bệnh xuất hiện do môi trường bị ô nhiễm nặng gây nên tình trạng vệ sinh kém (hỏng các công trình vệ sinh, nhất là hố xí, chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, dê,...), do thiếu nước sạch dùng trong ăn uống, tắm giặt hoặc do cả sức đề kháng của cơ thể thay đổi (cảm lạnh, thiếu ăn, uống,...). Chính vì vậy, các dịch bệnh rất dễ xảy ra nếu không có đủ các biện pháp phòng ngừa.

Một số bệnh dễ bùng phát dịch sau mưa lũ

Bệnh đường ruột: Bệnh thường xuất hiện nhất sau mưa, lũ, lụt là bệnh về đường ruột do vi khuẩn (E.coli, tả, lỵ, thương hàn), trong đó tỷ lệ bệnh hay gặp nhất là tiêu chảy do E.coli (trực khuẩn đại tràng), nhưng đáng sợ nhất là bệnh tiêu chảy cấp bởi lỵ trực khuẩn hoặc bệnh do vi khuẩn thương hàn, đặc biệt là tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả. Các loại bệnh này nếu không phát hiện sớm, có biện pháp chữa trị, cách ly kịp thời có nguy cơ gây thành dịch.

Cần được xử lý nước sinh hoạt sau bão lụt theo hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương.

Bệnh do ký sinh trùng: Song song với nguy cơ mắc bệnh đường ruột do vi khuẩn gây ra thì bệnh do ký sinh trùng cũng luôn rình rập sau mưa, lũ. Trong đó đáng chú ý là bệnh kiết lỵ, bệnh giun sán. Bệnh kiết lỵ do amip gây ra, bệnh rất dễ gây thành dịch do khả năng lây lan của nó và nguy hiểm hơn, nếu không có thuốc đặc trị thì rất dễ trở thành mạn tính, nhất là gây áp-xe gan là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Bệnh sốt vàng da chảy máu do xoắn khuẩn Leptospira gây ra cũng có thể gặp, nhất là các vùng miền núi. Trong và sau lũ, lụt, vi khuẩn Leptosspira được đào thải qua nước tiểu chuột, chúng sẽ qua đường da (do da luôn bị ẩm, ướt với mưa lũ) vào cơ thể và gây bệnh. Sau lũ, lụt còn có thể mắc các bệnh do virut (viêm gan virut A, E, Rotavirrus,...). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virut. Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ cũng hay gặp: Bệnh xuất hiện do dùng nước bị nhiễm bẩn các loại vi sinh vật, trong đó có các virut gây bệnh đau mắt đỏ...

Phòng bệnh bằng cách nào?

Phòng bệnh trong và sau mưa lũ là hết sức quan trọng để không mắc bệnh và nếu có bệnh thì không để lây lan thành dịch rất nguy hiểm cho cộng đồng. Vì vậy, cần giữ vệ sinh môi trường. Ngay sau khi nước rút cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm, thôn, bản. Thu gom rác, cây cối, xác động thực vật chôn lấp kỹ và xử lý đúng quy trình, phải rắc vôi bột phủ lên xác động vật trước khi lấp đất. Cần tu sửa ngay các công trình vệ sinh, nhất là hố xí, chuồng trại gia súc, đặc biệt quan tâm đến nguồn nước dùng trong sinh hoạt.

Vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy.

Cần đảm bảo có nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Những gia đình có giếng khơi hoặc giếng làng cần được xử lý khử khuẩn thật tốt dưới sự hướng dẫn của các cán bộ y tế địa phương. Nếu còn mưa thì tốt nhất là hứng nước mưa để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước. Có thể sử dụng phèn chua hoặc viên cloramin B để khử khuẩn. Cần thực hiện ăn chín, uống chín (nước đun sôi để nguội). Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn. Các dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch đưa ra phơi nắng hoặc luộc bằng nước sôi. Cần bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn, tránh ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, kiến, bụi bặm làm nhiễm bẩn. Bên cạnh đó luôn đề phòng đuối nước, nhất là trẻ em và người già.

Nên dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt thông dụng để nhỏ mắt phòng đau mắt đỏ. Người dân nên đến trạm y tế để tiêm phòng những loại vaccin phòng bệnh cần thiết.

BS. Việt Bắc

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]