Làm gì khi bé thường xuyên bị ốm vặt như: ho, sổ mũi?

15.9195

Con tôi 2 tuổi nhưng bé thường xuyên bị ốm vặt như: ho, sổ mũi… khiến tôi rất lo lắng vì mỗi lần cháu ốm, uống thuốc khỏi được vài hôm lại mắc lại. Có người nói tại tôi không biết cách chăm sóc khi bé bị bệnh nên bé không có sức đề kháng. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Nguyễn Hồng Hải (Hải Phòng)

Ho, sổ mũi là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi. Trong trường hợp khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói, có thể theo dõi bé ở nhà. Nếu bé ho kèm nôn ói hoặc sốt cao 39oC, trẻ ho kèm khó thở, thở nhanh, nông, trẻ co giật hoặc li bì khó đánh thức, trẻ ho kèm thở mệt, cánh mũi phập phồng, co lõm ngực, tiết đàm nhớt nhiều… cũng cần được nhanh chóng đi gặp bác sĩ.

​Theo dõi thân nhiệt khi trẻ sốt.

Ngoài việc uống thuốc, thực hiện chỉ định của bác sĩ thì cha mẹ cần lưu ý chăm sóc bé như sau:
Khi bé bị ho, không nên cho ăn và uống các đồ lạnh. Những món ăn có nhiều chất béo, ngọt, đậm gia vị. Khi ho, trẻ sẽ bị đau họng nên rất khó ăn, cần chọn những loại thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, nên cho trẻ ăn từng chút một và chia làm nhiều lần để tránh nôn, ói. Cho trẻ uống các loại nước ép như: táo, nho, lê hoặc các loại sinh tố ít ngọt. Hoặc có thể tự làm nước ép cà rốt pha với mật ong, hẹ hấp đường phèn cho trẻ uống cũng giúp giảm ho.

Khi bé có sốt, ngoài uống thuốc theo chỉ định, việc bù nước rất quan trọng. Do đó, cần cho trẻ uống nhiều nước (ăn hoa quả hoặc uống nước hoa quả như: nước chanh, nước cam…), uống sữa hoặc ăn sữa chua để cung cấp thêm vitamin A và C… Cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu nhưng vẫn cung cấp đủ chất béo và đạm như: cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua. Khi cho trẻ ăn nên chia làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ 1/3 bát và chỉ cho trẻ ăn khi đã hạ sốt.

Khi bé ngạt mũi và sổ mũi: Không nên bắt trẻ xì mũi mà hãy dùng khăn mềm thấm dịch mũi. Nếu trẻ bị ngạt nhiều, dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi.

BS. Nguyễn Phi

Theo Suckhoedoisong.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]