Làm gì khi huyết áp bất thường?

Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, dấu hiệu nhận diện và cách phòng ngừa.

15.5883
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

"Sát thủ" thầm lặng

TS.BS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM cho biết, tăng huyết áp (HA) hay hạ HA (HA thấp), đều là những dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm, trong khi triệu chứng lại khá mù mờ. Đến khi có những biểu hiện rõ rệt, bệnh đã tiến triển xa.

Cụ thể, tăng HA ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tim, làm tim đập nhanh, bệnh nhân hồi hộp, tức ngực, khó thở. Tăng HA dẫn đến suy tim và cuối cùng là nhồi máu cơ tim, nếu không điều trị đúng đắn và kịp thời.

Bên cạnh đó, tăng HA sẽ gây biến chứng trên các cơ quan như: tim, não, mắt, động mạch ngoại biên. Biến chứng tức thời của tăng HA có thể nguy hiểm đến tính mạng, gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, bóc tách động mạch chủ, phù phổi cấp, suy thận cấp.

Biến chứng lâu dài xảy ra nếu bệnh nhân sau một thời gian dài bị tăng HA mà không được chẩn đoán và điều trị đúng. Ngoài ra còn các biến chứng khác như: rối loạn tiền đình, bệnh lý mắt, tim to, đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, suy thận mạn…

HA thấp thường khiến nhiều người chủ quan mà không biết rằng bệnh lý này cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém tăng HA. Tình trạng tụt HA kéo dài sẽ gây “lỗi” trên hệ thống thần kinh, khiến cơ quan này suy giảm chức năng, kéo theo sự tổn thương của não, tim, thận vì các cơ quan này không cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy.

Khi không được điều trị kịp thời, HA thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp HA thấp còn có thể đưa đến tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não.

Ngoài ra, người bị tụt HA cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao…

Tăng, hạ vì sao?

“HA chính là áp lực của dòng máu trong hệ thống động mạch. Chính nhờ sự chuyển động của dòng máu này mà các tế bào của cơ thể nhận được oxy và các chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động. HA được duy trì nhờ áp lực co bóp của cơ tim, thể tích máu trong cơ thể và độ co dãn của thành động mạch. Khi một trong các yếu tố trên bị rối loạn, bệnh nhân có thể bị cao HA hay hạ HA”, TS.BS Nguyễn Hoài Nam giải thích.

HA trung bình dao động trong khoảng từ 110-120mmHg đối với HA tối đa và từ 70-80 mmHg với HA tối thiểu. Một người bị coi là có triệu chứng cao HA khi có HA tâm thu (HA tối đa) lớn hơn 140mmHg và HA tâm trương (HA tối thiểu) lớn hơn 90mmHg. Khi HA tối đa dưới 100 mmHg và HA tối thiểu dưới 60 mmHg, bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ HA.

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng HA. Trong đó, một tỷ lệ lớn người bị bệnh không rõ nguyên nhân (tăng HA vô căn).

Ngoài ra, tăng HA còn xuất phát từ các nguyên nhân khác (tăng HA thứ phát): di truyền từ cha, mẹ; tuổi tác cũng góp phần gây tăng HA (tuổi cao, HA thường tăng); từ những bệnh lý khác, như rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, suy thận, hội chứng rối loạn chuyển hóa (đường, lipid, axít uric), hẹp động mạch thận hay do xơ vữa động mạch…

Những mảng xơ vữa làm bít hẹp lòng động mạch, lượng máu đi nuôi các cơ quan bị giảm sút nhiều, nhất là các tế bào não. Thiếu máu kéo dài gây ra tình trạng teo vùng vỏ não và vùng bán cầu đại não, gây nên hiện tượng lú lẫn, hay quên (người lớn tuổi).

Với HA thấp, đối tượng dễ bị nhất là những người lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ… Đặc biệt, HA thấp dễ xảy ra ở người bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường.

HA thấp cũng được chia thành hai. Hạ HA cấp hay xảy ra ở những bệnh nhân cấp cứu vì chấn thương gây mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước,suy tim hay bị bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này phải được nhập viện cấp cứu. Tùy theo nguyên nhân gây hạ HA mà thầy thuốc chỉ định điều trị phù hợp: truyền dịch, truyền máu, thuốc vận mạch hay thuốc trợ tim…

Hạ HA mạn tính (HA tối đa thường xuyên thấp hơn 100mmHg), bệnh nhân có thể không thể cảm nhận bất kỳ một sự khó chịu nào. Tình trạng hạ HA mạn tính hay xảy ra ở những người làm việc quá sức, bị stress, rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, tiểu đường, bệnh thần kinh ngoại vi…

Điều đáng nói, cả tăng HA và HA thấp đều có triệu chứng tương đối giống nhau và giống nhiều bệnh lý khác: hoa mắt, choáng váng, chóng mặt, khó chịu, bứt rứt.

Tuy nhiên, các triệu chứng của hạ HA thường đi kèm với các triệu chứng của các bệnh “nền” gây tụt HA như: tiêu chảy, đau bụng, sốt cao, lạnh run hay các bệnh mạn tính khác như viêm phế quản, xơ gan, suy tim, ung thư, đái tháo đường…

Thay đổi nếp sống

“Dù đã được nghiên cứu các phác đồ điều trị lâm sàng nhưng hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm các oại bệnh HA. Khi đã “vướng” vào bệnh HA, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của BS trong việc dùng thuốc cũng như ăn uống, tập luyện phù hợp” - TS.BS Nguyễn Hoài Nam khuyên.

Cụ thể, với người HA thấp, việc đầu tiên là nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Không ăn kiêng thái quá, nhất là ở một số trường hợp nhịn ăn uống để giảm cân ở một số phụ nữ.

Cần có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với lứa tuổi. Không để quá đói bụng và nên ăn các loại thức ăn giàu năng lượng, giàu vitamin, các yếu tố vi lượng (vitamin A, kẽm, magiê…).

Lưu ý, tránh mắc các bệnh cấp tính làm mất dịch nhiều như tiêu chảy, nôn ói. Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột nhất là buổi sáng khi mới thức dậy.

Tránh rượu bia và việc sử dụng các chất kích thích khác gây tổn hại cho hệ thần kinh. Tránh stress, cân bằng về tâm lý. Đi bộ, bơi lội hay tập yoga rất tốt cho bệnh nhân bị hạ HA mạn tính.

Tuy nhiên khi tập thể thao rất cần sự điều độ, khi nào thấy mệt hay cảm thấy khó chịu, nên nghỉ ngơi ngay. Việc uống đủ nước, nhất là khi trời nắng nóng cũng góp phần làm giảm nguy cơ hạ HA.

Còn với người tăng HA, cần tránh các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều muối và đường (như thức ăn nhanh) dễ đưa đến nguy cơ cao HA do xơ vữa động mạch.

Đồng thời, người bệnh cần tăng cường bổ sung các loại rau củ quả, trái cây. Với bệnh nhân bị cao HA, việc tập luyện cũng cần phải cân nhắc, tốt nhất là mỗi sáng đi bộ 30 phút. Luôn giữ cân bằng cuộc sống, tìm cách thư giãn sau thời gian làm việc.

Người bị bệnh lý tăng HA tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của BS. Do tăng HA là bệnh mạn tính nên bệnh nhân luôn phải sử dụng thuốc để giữ HA ổn định trong giới hạn an toàn.

Theo Thiên Nga - Phụ nữ TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]