Làm gì khi trẻ chậm nói?

"Khi phát hiện con chậm nói, nên cho đi khám sớm, vì can thiệp càng sớm cơ hội trẻ hòa nhập với cuộc sống càng cao”.

15.5981
Con trai tròn ba tuổi nhưng chỉ bập bẹ được "ba, bà" và thích chơi một mình nên vợ chồng anh Minh Tân (P.9, Q.3, TPHCM) lo sợ con mắc chứng tự kỷ, nhiều lần muốn đưa đi khám.

Thế nhưng, bà nội bé nhất quyết ngăn cản. Bà cho rằng, bé biết đi sớm thì chậm nói, chứ không hề mắc bệnh tật. Làm thế nào nhận diện được trẻ chậm nói đơn thuần hay do bệnh lý và khi nào cần can thiệp để trẻ phát huy ngôn ngữ tốt nhất?

Vì sao trẻ chậm nói?

Có mặt tại khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2, chỉ trong vài giờ có thể cảm nhận được sự vất vả của cả người thân, bệnh nhi lẫn thầy thuốc, vì "ngôn ngữ bất đồng".

Suốt ngày bận rộn đi làm, giao con cho người giúp việc, vợ chồng chị Nguyễn Thu Phượng (P.16, Q.8) ít có thời gian gần gũi con. Chị thường khoe với đồng nghiệp, bé H. rất ngoan, ăn uống xong là ngủ, hoặc chơi một mình, không quấy khóc, không bám ba mẹ. Đến khi bé hai tuổi vẫn chỉ biết "ba ba", thi thoảng chị Phượng cũng thoáng thắc mắc "con mình sao chậm nói". Thế nhưng, do bị cuốn vào công việc, chị cũng cho qua, trong khi chồng chị trấn an: "Trẻ em, đứa biết nói sớm, đứa chậm, con mình ngoan ngoãn thế có gì mà lo".

Gần đây, lúc bé H. gần ba tuổi, trong một lần đưa con đến nhà bạn chơi, chị Phượng thấy các bé khác líu lo còn con mình chỉ im lặng. Suốt buổi tiệc, chị lặng lẽ quan sát con và thấy bé không chịu chơi cùng bạn mà đứng nhìn.

Tìm hiểu trên mạng, chị thấy con gái có những dấu hiệu của hội chứng tự kỷ, chị đưa con đi khám. Qua lời chị Phượng kể và quan sát, trò chuyện với bé, BS kết luận, bé H. chậm nói do cha mẹ ít trò chuyện với con, bé xem ti vi nhiều và cũng không được ra ngoài chơi, tiếp xúc với người khác nên không có nhiều cơ hội phát triển ngôn ngữ.

Còn chị Bích Như (P.2, Q.5) thường giày vò mình vì con bị tự kỷ mà chị cứ ngỡ bé chậm nói. "Vợ chồng tôi gần 40 tuổi mới sinh bé. Gia đình khó khăn, tôi gửi bé cho bà ngoại và các dì trông coi. Khi bé lên hai tuổi vẫn cứ ú ớ và cũng ít vận động, đòi gì không được thì nằm lăn ra đất hoặc có khi đập đầu vô tường… Tôi nghĩ, do được cưng chiều nên bé hay ăn vạ và mọi người hay bồng bế nên bé ít vận động. Khi con hơn ba tuổi, con vẫn ít nói, hay khóc ăn vạ. Nhiều người khuyên tôi đưa con đến khoa tâm lý của các BV nhi khám. BS cho biết, bé bị tự kỷ, cũng may là bị nhẹ. BS nói nếu bé được phát hiện và điều trị sớm thì cơ hội cải thiện rất cao. Tôi hối hận vì thiếu quan tâm đến con".

Được ra ngoài chơi, tiếp xúc với người khác, trẻ có nhiều cơ hội phát triển ngôn ngữ - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Can thiệp sớm, hiệu quả cao

Theo các nghiên cứu khoa học, trẻ em có sự thay đổi rõ rệt về khả năng ngôn ngữ mạnh nhất vào giai đoạn từ chín tháng đến năm tuổi. Vì vậy, việc phát hiện và tìm cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ (RLNN) sớm là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, bởi không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, mà còn phát huy về mặt trí tuệ.

Một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả hiện nay được nhiều chuyên viên âm ngữ trị liệu (ÂNTL) áp dụng là dùng hình ảnh (Pecs) như: tranh, ảnh chụp, ảnh vẽ, đĩa hình, ký hiệu… để trẻ nhận diện đồ vật, và tự chọn hình ảnh nào mình yêu thích.

Chuyên viên ÂNTL Nguyễn Châu Tuyết Như - BV Nhi Đồng 2, người thành công với nhiều ca trị liệu trẻ chậm nói bằng biện pháp Pecs nói: "Giao tiếp có nhiều cách, ngoài ngôn ngữ còn những tương tác khác như nhìn, chỉ tay… và với trẻ em, não bộ đang phát triển mạnh mẽ song song quá trình phát triển ngôn ngữ, nên khả năng nắm bắt, học hỏi của trẻ chủ yếu dựa vào thị giác. Đặc biệt, trẻ hạn chế về mặt trí tuệ thì khả năng học càng bị phụ thuộc vào thị giác".

Cũng theo chuyên viên ÂNTL Nguyễn Châu Tuyết Như, học thông qua hình ảnh sẽ giúp trẻ tập trung chú ý, lắng nghe, thực hành các kỹ năng sống căn bản, biết nhiều từ vựng… Pecs được sử dụng rộng rãi trên thế giới và là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phát triển trí tuệ sớm ở trẻ bình thường nói chung và phát triển ngôn ngữ nói riêng.

Đặc biệt, hiện nay Pecs được xem là công cụ thiết yếu hàng đầu trong việc can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển: chậm nói đơn thuần, chậm nói do tự kỷ, rối loạn cảm xúc, tổn thương não...

Nhiều trường hợp tưởng như trẻ suốt đời sống trong thinh lặng, nhưng nhờ được can thiệp tích cực bằng phương pháp sử dụng hình ảnh, giúp cải thiện tình trạng rõ rệt. Bé Đ.L. (bốn tuổi ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TPHCM) bị sốt cao, co giật làm tổn thương não lúc bé 17 tháng tuổi.

Từ đó, bé kém lanh lợi và không nói được. Khi bé lên ba tuổi, cha mẹ tìm đến các chuyên viên ÂNTL, bé được điều trị mỗi tuần một lần và học mỗi ngày ở nhà với nhiều tranh ảnh về động vật, xe cộ, trái cây…. Kiên trì như thế, gần một năm sau, bé L. nói được tiếng “xe” đầu tiên, sau tiếp đó là gọi đúng các hình ảnh khác. Giờ đây, bé L. đã ghép được hai từ, thỉnh thoảng nói được câu năm-sáu chữ, dù bé nói chưa thật sự rõ ràng, nhưng ba mẹ của bé mừng rơi nước mắt.

Bé G.B. (3 tuổi, Bình Dương), chỉ sau năm tháng trị liệu, khả năng nói của bé đã thay đổi khá nhiều. Khi mới đến khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2, G.B. rất khó tiếp xúc và rất sợ người lạ. Được các chuyên viên ÂNTL khơi gợi, cho quan sát nhiều hình ảnh, bé đã biết lựa chọn, trao đổi đồ vật mình yêu thích. Đặc biệt, mỗi khi vừa vào khoa là bé chạy ngay đến phòng gặp các chuyên viên trị liệu cho mình mà không rụt rè, sợ hãi như trước.

Tuy nhiên, để có những kết quả khả quan trên, phụ huynh phải kiên nhẫn hợp tác với chuyên viên y tế. Thực tế, nhiều phụ huynh bỏ cuộc, bởi họ nôn nóng, muốn tình trạng của con mình tiến triển nhanh, mà không biết rằng: sau khi giao tiếp được bằng mắt, bằng tay, trẻ mới giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Bà Lê Thị Đào, chuyên viên âm ngữ trị liệu, khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Mỗi tuần các bé chỉ gặp chúng tôi một-hai lần, nếu phụ huynh không tiếp tục thực hành cùng bé khi ở nhà thì chắc chắn bé sẽ không nhớ và sự can thiệp này xem như không có hiệu quả. Phụ huynh phải tiếp tục là “thầy”, cùng chơi, cùng học với con. Lưu ý: khi phát hiện con chậm nói, nên cho đi khám sớm, vì can thiệp càng sớm cơ hội trẻ hòa nhập với cuộc sống càng cao”.

Bên cạnh đó, theo các BS, phụ huynh thấy con chậm nói, không nên tự điều trị bằng “mẹo”: dùng cá lóc sống đập vô hai đầu gối của trẻ đến khi con cá chết, bồng trẻ đi giật đồ ăn ngay trên miệng của người khác, hoặc đưa con đến “thầy bùa” để “làm phép”, bắt bé “mở miệng”. Những cách trên chỉ làm cho bé bị đau hoặc hoảng sợ, chứ không thể thay đổi được tình trạng chậm nói ở trẻ.

Để nhận diện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ (RLNN) đơn thuần mà dân gian hay gọi là chậm nói với RLNN do bệnh tự kỷ, chậm phát triển… phải quan sát cả quá trình phát triển của trẻ. Ví dụ, giai đoạn tiền ngôn ngữ: khoảng hai-ba tháng trẻ đã biết hóng chuyện với âm thanh “u, ơ”; năm-sáu tháng biết phân biệt người lạ-quen; chín-mười tháng bập bẹ “ba ba”; 12 tháng biết chỉ tay vào đồ vật, người thân… và làm theo một số yêu cầu đơn giản; 12-18 tháng nói từ đơn và có khả năng hiểu khoảng 50 từ; 18 tháng đến hai tuổi biết ráp hai từ; ba tuổi đã biết nói câu dài bốn-năm từ trở lên, thuộc một vài bài hát và bốn tuổi đã biết kể chuyện…

Nói chung, nếu trẻ vẫn hiểu được lời nói, chỉ tay đúng đồ vật khi được hỏi “tai đâu, mắt đâu…” và thực hiện đúng những yêu cầu đơn giản như lấy nón, dép thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần.

Trẻ bị tự kỷ có những dấu hiệu đặc trưng: không chỉ tay, thích chơi một mình, hay ăn vạ, có thói quen bất di bất dịch... Nếu trẻ phát triển không đúng những mốc trên hay có các dấu hiệu của tự kỷ, phụ huynh nên đưa đi khám để xác định nguyên nhân và can thiệp sớm.

Chuyên viên âm ngữ trị liệu Lê Thị Đào, khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2

Theo Thùy Dương - Phụ nữ TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]