Làm lễ cầu an thế nào cho hiệu quả?

GiadinhNet - Lễ cầu an đầu năm ai cũng muốn làm để bản thân, gia đình, bạn bè... được bình an... Đại đức Thích Tâm Thuần - Phó Ban Hoằng pháp Hà Nội, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc đã có thời pháp chia sẻ về Ý nghĩa Thượng nguyên và cầu an đầu năm.

0

Không có chuẩn mực "sao xấu"

Đầu năm mọi người lên chùa lễ Phật, cúng sao, giải hạn, giải oan kết từ nhiều đời trước, mong được bình an cả năm. Nhưng cần kiểm tra lại xem việc nào đúng với chánh pháp, thực sự đem lại cho chúng ta bình an, chúng ta cần suy nghĩ cho kỹ.

Nhiều người nghĩ năm nay mình sao Thái Bạch, sao La Hầu, sao Kế Đô và cho là sao xấu, tâm bất an nên trí tuệ không phát huy được. Việc này trong giáo hội Phật giáo được nhắc nhở rất nhiều vì đây không phải là chuẩn mực.

Để buổi lễ cầu an có sức gia trì cần có tinh thần Tán Phật, Tán Pháp, tụng Bát nhã, Sám hối, phát nguyện,  hồi hướng công đức.

Ảnh minh họa từ Internet

-Tán Phật: Bất kỳ buổi lễ nào đại chúng cũng đều tán thán công hạnh của đức Phật đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, rồi đảnh lễ tam bảo với tâm chí thành.

-Tán Pháp: Là tán thán pháp sâu mầu vi diệu của Phật, ai có duyên lành sẽ gặp. Nguyện tu tập, gìn giữ chánh pháp, hiểu ý nghĩa sâu mầu, tâm huyết để áp dụng và tiến tới giải thoát. Tán pháp bằng tâm chí thành, hiểu được chư Phật là mong chúng sinh giác ngộ, giải thoát. Sau đó mới tụng kinh, sám hối, phát nguyện rồi hồi hướng.

Tụng Bát Nhã

Bát nhã là lời cảnh tỉnh cho ta thấy được giá trị pháp Phật, giúp được bình an, hạnh phúc trọn vẹn. Hãy đọc từng câu, từng chữ để thấu rõ nghĩa lý, cảm nhận được bình an, nhờ cái nhìn Bát nhã mà qua hết mộng tưởng điên đảo mà đạt tới cứu kính Niết bàn.

Dự lễ cầu an ở chùa (ảnh minh họa từ internet)

Tinh thần sám hối

Lỗi nhiều người mắc là không chú ý sám hối, phát nguyện, hồi hướng do chưa hiểu hết ý nghĩa buổi lễ, chưa có tâm thành chí thiết khiến buổi lễ chưa được thành tựu trọn vẹn.

“Sám” là ăn năn những lỗi lầm đã tạo. “Hối” là hổ thẹn, phát nguyện dứt trừ những tội lỗi đó, không tái phạm nữa. Đó là tinh thần sám hối đầu năm, là yếu tố cơ bản để có được bình an bởi cả năm ai cũng có nhiều lỗi lầm. Đầu năm thanh tịnh, phát nguyện dũng mạnh thì năm đó chúng ta có sự gia trì Tam Bảo (ví như chiếc lọ bẩn chưa rửa sạch lại đổ nước sạch vào thì nước sạch sẽ bẩn). Lễ cầu an đầu năm phải chí tâm chí thành sám hối thì tội nghiệp từ thân miệng ý từ bao đời của mình cũng được tiêu trừ.

Ngày sám hối đầu năm là ngày thiêng liêng khiến chúng ta có ấn tượng thiêng liêng trong tinh thần nhìn lỗi và phát trừ lỗi nữa.

Phát nguyện

Những lời nguyện giúp chúng ta có được năng lực. Ví dụ, chúng ta có thói quen vừa thấy, vừa nghe là dễ sân hận lên ngay. Niềm sân hận khiến ta phiền não bất an, mất ăn mất ngủ, làm nhiều điều tổn hại đến người chung quanh vì “giận quá mất khôn”, hay “một đống lửa sân có thể đốt cả rừng công đức”.

Hãy chí thành phát nguyện suốt năm nay không để sân hận nổi lên, phát huy tâm từ bi, cởi mở với những điều bất như ý khi nó xảy đến. Với sự gia trì trong lễ cầu an, nếu có gặp điều khiến sự sân hận nổi lên thì lời nguyện đã phát trong buổi lễ cầu an đầu năm sẽ phát huy sức mạnh, làm ta dừng lại tâm sân hận, để phát huy trí tuệ, định tĩnh.

Hồi hướng công đức

“Hồi” là quay về tâm hướng thiện, phát huy điều lành, “Hướng” cho mọi người đều làm việc thiện, nguyện cho chúng sinh và mình đều thành Phật đạo. Phật là bậc giác ngộ trọn vẹn, Bồ Tát là bậc giác ngộ từng phần, giải thoát từng phần còn chúng ta cũng tu tập để giải thoát và giác ngộ từng phần. Tinh thần cầu phúc cầu an từ tâm chí thành sẽ mang lại sức mạnh rất lớn, cầu gì cũng thành công.

Đức Phật, các vị Bồ tát, chư Hiền thánh Tăng cầu hết cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng một người nào. Mỗi một tâm niệm hỷ xả không chấp, trưởng dưỡng tâm Phật, là gieo hạt giống Phật trong tâm, hướng cho mọi người đến tâm an lạc, giải thoát. Đạo hạnh, công đức này đều mong mỏi mọi người giải thoát, không còn lầm chấp nữa.

Tâm thành

Tinh thần buổi lễ cầu an đầu năm rất thiêng liêng, không đơn giản như dâng cơm lên quý, cúng lễ… và nhiều người lầm tưởng giao cả để sư thầy cúng bái làm hết là xong. Hoặc không cần cầu, chỉ cần tâm mình là đủ… Như thế đều không đúng.

Vì tâm mình không có đủ lực để mình khắc phục được nghiệp, mà cần nhiều người hợp lực lại, cùng sự gia trì của Tam Bảo, sự chú nguyện của chúng Tăng để hồi hướng.

Tóm kết

Mọi người hãy có tinh tấn sám hối, phát nguyện xây dựng thiện pháp, một điều lành nhỏ cũng không bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, hàng xóm và muốn được bình an trọn vẹn, phải giác ngộ như lời Phật dạy, phải thấy được cuộc đời là chiêm bao, mộng huyễn, không bị nó trói buộc, khiến cho ta đau buồn, thấy được các pháp là vô thường, vô ngã, khi thấy một vật bất như ý, dưới cái nhìn vô thường, chúng ta không chỉ thấy mình cái đó mà còn cả những cái khác nữa.

Ví như đau ốm, bệnh tật, bệnh già… cái chết là lẽ đương nhiên. Biết thân này như vậy thì không bị ảnh hưởng nặng nề trên cái thân đó.

Mục đích của chư Phật ba đời là khai thị cho chúng sinh tin nhận lại Phật tâm của chính mình – đó mới là mùa xuân viên miễn, bình an viên miễn mà Phật Di lặc đã chứng được và dạy lại cho chúng sinh.

Để buổi lễ có sức gia trì của Tam Bảo, Long Thiên Hộ Pháp, giúp thành tựu tâm nguyện lễ cầu an đầu năm, mọi người cần soi xét lại tâm của mình để làm sao năm mới tâm từ bi hỷ xả phát huy.

Nếu không muốn gặt những quả mà mình đã gieo không tốt thì ngay từ bây giờ phải gieo những nhân tốt, gieo phúc đức, chuyển nhân dở thành quả tốt lành - đó mới là ý nghĩa sâu mầu của giáo pháp Phật. Đầu năm mới hãy học hạnh của đức Phật Di Lặc là hạnh hỷ xả để trọn vẹn một năm được bình an.

Lưu ý:

-Nếu cầu bên ngoài, không sám hối, không phát nguyện thì sư thầy có cầu, chúc phúc với tâm tha thiết cũng không thể giúp tâm nguyện mọi người thành tựu.

-Đời này, hay đời trước ai cũng có nhiều lỗi và sẽ bị gặt quả. Hãy tích cực làm lợi ích cho chúng sinh, gieo trồng phúc đức, an lạc, tín tâm với Phật cho mọi người. Những phúc đức đó mới khiến chúng ta được bình an, cởi bỏ oan khiên nghiệp báo.

-Ngày lễ cầu an đầu năm, hãy phát nguyện tha thiết và hồi hướng cho mọi người, chứ không phải riêng cho mình để lòng Từ Bi được tăng trưởng.

-Nguyện Tam Bảo gia hộ cho thành tựu sở nguyện, sức khỏe, an lạc, tu học tinh tấn... Gia đình được nương nơi công đức lành này mà tăng phúc, lộc thọ…, đại chúng được vô lượng an lạc.

-Đầu năm đi chùa lễ Phật, sám hối, phát nguyện, nỗ lực tinh tấn tu tập mong năm ấy được phúc lành. Khi phát nguyện, hồi hướng cần có ấn tượng sâu sắc với những lời đó, giúp chúng ta một năm hoàn thiện mình, xây dựng phúc đức để cả năm gặt hái quả lành. Phật tử muốn cầu an lạc, giải thoát không gì bằng gieo phúc lành cho mình và mọi người.


Trà Giang (theo Thiền viện Sùng Phúc)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]