Làm mẹ “phát xít” để bé ngoan hơn

Có lẽ một ai đó sẽ nghĩ mình là bà mẹ ‘ác’ đáo để khi lỡ để con khóc hết nước mắt như thế. Nuôi con đã khó, dạy con còn khó gấp trăm ngàn vạn lần, nếu không ‘cứng tay’ chắc chắn con sẽ còn ‘yêu sách’ nhiều nhiều… Khi một nhu cầu nhỏ của con được đáp ứng, dần dần con sẽ đòi những món đồ lớn hơn, lớn hơn nữa… Vì vậy, chỉ cần 1, 2 lần dứt khoát với con, lần sau con đố dám đòi.

15.6093

Cuối tuần rồi, mình cùng cô bạn thân và nhóc Bella (con gái của cô bạn, hơn 3 tuổi) cùng nhau đi siêu thị. Đến khu vực bày bán Gấu bông, cô bé giở chiêu mè nheo, nằng nặc đòi mua cho bằng được. Dù không hài lòng với thái độ của con, cô bạn mình vẫn nhặt chú Gấu, bỏ vào giỏ chờ tính tiền. Chờ có thế, cô bé cười toe… Còn mình chỉ biết chép miệng…

Chợt nhớ cái thời Tom bé teo, cũng hay khóc nức nở, ‘lăn đùng, ngã vật’ đòi mẹ đủ thứ mỗi lần đi siêu thị hoặc shop… mà thấy gai ốc nổi rần rật.

Lúc đầu mình đơn giản nghĩ con còn nhỏ nên tặc lưỡi ‘Thôi thì chiều con tí cũng chẳng mất gì’, sau đó thì thành thông lệ, đi đâu cùng ba mẹ, nhìn thấy gì hay Tom cũng đòi. Đòi không được thì lăn ra ỉ ôi, tự cào cấu mặt như Chí Phèo (đau đớn, vật vã như kiểu bị ba mẹ bạo hành vậy). Vô cùng stress với hành vi bất thường của con, nhưng mình nghĩ nếu không kiên quyết chắc chắn cu cậu sẽ ‘ngựa quen đường cũ’, đi siêu thị nào cũng đòi khuân một đống đồ về thì ba mẹ sạt nghiệp. Thế là một kế hoạch ‘phát xít’ được ba mẹ đưa ra để trị bệnh ‘sến súa cấp tính’ của Tom.

Nuôi con đã khó, dạy con còn khó gấp trăm ngàn vạn lần.

Đơn cử một ví dụ, đi Big C, con đòi mua đồ chơi mới, mình bảo ở nhà có rồi, không mua nữa, rồi lặng lẽ bước đi. Ngay lập tức, cu cậu ngồi thụp xuống, bám vào chân nằng nặc không cho mẹ đi và khóc rõ to. Rất nhiều người lấy làm lạ, quay ra nhìn cảnh 2 mẹ con mình đang ‘chiến đấu’ với nhau. Lúc đó mình ‘nóng máu’ lắm rồi, nhưng vẫn kiên quyết: “Nếu con không bỏ mẹ ra và đi ra khỏi siêu thị với mẹ thì mẹ sẽ để con đứng đây khóc 1 mình”.

Tom nghe mẹ ‘dọa’ thì lũn cũn đứng dậy, đi theo nhưng không quên cầm theo món đồ chơi vừa lọt vào tầm ngắm. Mình quay lại khẽ nói vào tai con (giọng pha chút dọa nạt): “Con tự ý cầm món đồ này ra ngoài, máy sẽ hú lên và bảo vệ sẽ chạy đến bắt con. Lúc đấy mẹ cũng không cứu con được đâu”. Ánh mắt con sợ hãi nhìn mẹ như van lơn, mẹ vẫn lạnh lùng: “Con bỏ món đồ xuống trả cho siêu thị đi nào!”

Cu cậu khóc thét lên “Không đâu, không đâu” như để thử thách sự kiên nhẫn của mẹ. May mắn, dù miệng có không đâu nhưng tay con vẫn lặng lẽ trả lại món đồ. Xong xuôi, mình lau nước mắt và bế con ra khỏi siêu thị. Không nói gì và bỏ lại sau lưng ánh mắt tò mò của nhiều người. Về đến nhà mình mới nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vấn đề.

Có lẽ một ai đó sẽ nghĩ mình là bà mẹ ‘ác’ đáo để khi lỡ để con khóc hết nước mắt như thế. Nuôi con đã khó, dạy con còn khó gấp trăm ngàn vạn lần, nếu không ‘cứng tay’ chắc chắn con sẽ còn ‘yêu sách’ nhiều nhiều… Khi một nhu cầu nhỏ của con được đáp ứng, dần dần con sẽ đòi những món đồ lớn hơn, lớn hơn nữa… Vì vậy, chỉ cần 1, 2 lần dứt khoát với con, lần sau con đố dám đòi.

Nhiều chị em khi đưa con đi shop hay siêu thị cùng, hay ái ngại, xấu hổ khi con khóc đòi. Chép miệng: “Thôi mua cho con đỡ rách việc”. Chính tâm lý của mẹ đã ‘ươm mầm’ những đứa con hư, khó dạy. Có một câu mình rất tâm đắc là: Khi mắt không thấy, bé sẽ không đòi. Nhanh chóng đưa bé ra khỏi khu vực bày bán món đồ bé thích là thượng sách.

Trẻ hay khóc, mè nheo để đạt được một mục đích nào đó, hay có thể chỉ vì muốn được bố mẹ chú ý, quan tâm hơn. Khi đã để trẻ “vào cơn” thì sẽ rất khó dỗ cho bé nín. Nhiều người cố tìm mọi cách từ chiều theo đòi hỏi của con, đến hù dọa, thậm chí đánh con để bé thôi khóc, và sau đó cố gắng giải thích để con biết làm như thế là sai rồi yên lòng khi thấy bé hứa hẹn “con biết rồi, lần sau con không thế nữa”. Nhưng chỉ một lúc sau, họ sẽ lại nổi nóng bởi bé tiếp tục thói nhõng nhẽo của mình. Và lúc đó “kịch bản” cũ sẽ lặp lại gây bức bối, ức chế cho cả mẹ lẫn con.

Bởi thế, tốt nhất, khi thấy con chuẩn bị mè nheo, hãy làm những động tác vui vẻ như làm hề, pha trò, đùa, cù bé… hay lái sang một câu chuyện hấp dẫn để bé quên ngay ‘ý đồ’ của mình. Sau đó, lúc con bình tĩnh lại, bạn có thể trò chuyện với con về hành vi không tốt đó.

Nhiều phụ huynh lúng túng nhất khi rơi vào tình huống giữa chỗ đông người mà con ăn vạ. Theo chuyên gia giáo dục, lúc này, bạn nên xin lỗi mọi người xung quanh rồi bế bé ra khỏi chỗ đó và bắt đầu lại quá trình ứng xử như trên.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]