Làm người tốt thật khó !

Liên đoàn Lao động, Hội Luật gia, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… các cơ quan chức năng và người tiêu dùng cần lên tiếng để bảo vệ kỹ sư Lê Văn Tạch

15.6065

Cuối cùng thì cái điều mà nhiều người lo ngại đã xảy ra: kỹ sư Lê Văn Tạch, người đưa ra ánh sáng việc Toyota Việt Nam (TMV) sản xuất hàng vạn phương tiện mắc lỗi kỹ thuật, đã bị công ty này đình chỉ công việc trong 3 tháng kể từ ngày 13/6; hưởng 50% lương trong thời gian bị ngưng việc.

Cần phải nói rõ rằng: khi phát hiện các lỗi kỹ thuật trên sản phẩm xe của công ty, kỹ sư Tạch nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo TMV để xử lý khắc phục nhưng những kiến nghị này đã bị bỏ qua, nên anh mới làm cái việc đặng chẳng đừng là đưa vụ việc ra công luận. Khi làm cái điều mà ít ai dám làm đó, anh hẳn đã phải cân nhắc kỹ về những điều xấu có thể xảy ra với bản thân và gia đình mình. Ai chẳng muốn giữ chỗ làm vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo. Nhưng, như anh tâm sự: “biết mà không nói là có tội”, bởi sản phẩm xe ô tô liên quan đến an toàn tính mạng của nhiều người.

Cách hành xử  mà anh đã chọn cho thấy anh là một con người sống có trách nhiệm, không chỉ với bản thân mà với cả cộng đồng. Trong khi còn bao kẻ coi đồng tiền như giá trị tuyệt đối của cuộc sống, vì tiền có thể bán rẻ cả lương tâm thì xã hội rất cần có những con người như anh để khẳng định điều ngược lại.  

Đối với TMV, xét cho cùng, việc làm của kỹ sư Tạch cũng góp phần bảo vệ thương hiệu cho nhà sản xuất, tránh trường hợp khi những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra thì đã quá muộn. Bởi vậy, nhiều người cho rằng TMV ngoài việc thu hồi xe, chấn chỉnh những sai sót; còn nên khen thưởng kỹ sư Lê Văn Tạch như một hành động thừa nhận sự đóng góp chính đáng, tích cực của anh.

Tuy nhiên, cuối cùng, TMV “khen thưởng” kỹ sư Lê Văn Tạch bằng quyết định đình chỉ công tác. Với quyết định này, TMV một lần nữa tự làm xấu hình ảnh của mình. Mặc dù đại diện TMV nói rằng việc đình chỉ công tác đối với kỹ sư Lê Văn Tạch không liên quan tới hành động tố giác các lỗi trên xe Toyota, nhưng ai mà chẳng hiểu bản chất của việc này. “Kịch bản” tiếp theo dễ đoán trước: anh Tạch sẽ bị gây sức ép, bị cô lập, để cuối cùng viết đơn xin thôi việc, ra khỏi công ty…

Với những đóng góp cho xã hội, cộng đồng, kỹ sư Lê Văn Tạch đã được Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), tổ chức khoa học trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tặng Kỷ niệm chương “Trách nhiệm” (ngày 26/4/2011). Kỹ sư Lê Văn Tạch đã vì trách nhiệm với mọi người, nên trong lúc này, chúng ta không thể không có trách nhiệm với anh.

Nếu không bảo vệ được một người trung thực dám nói lên sự thật như kỹ sư Tạch, thì sau này còn ai dám đứng lên bảo vệ lẽ phải? Chẳng lẽ mọi chuyện cứ thế qua đi, giả sử sau này, một kỹ sư nào đó cũng phát hiện lỗi kỹ thuật ở xe hơi, anh ta im lặng; tai nạn giao thông xảy ra, ai là người bị thiệt hại ?

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]