Làm sao biết trẻ có bị lao kháng thuốc hay không?

Con em hơn 5 tuổi, bị bệnh lao hạch, điều trị được 5,5 tháng nhưng bệnh không thuyên giảm. Liệu cháu có bị lao kháng thuốc không, AloBacsi?

15.5883
Xin chào bác sĩ,

Con em hơn 5 tuổi. Em đưa cháu đi khám ở BV Phạm Ngọc Thạch, BS chuẩn đoán cháu bị bệnh lao hạch. Nay cháu đã điều trị theo phác đồ BS được 5,5 tháng rồi, mà em thấy bệnh của cháu vẫn chưa bớt. Vì cháu ăn uống và sinh hoạt vẫn bình thường nhưng thấy cháu bệnh vẫn không thuyên giảm, như vậy có phải cháu đã bị kháng thuốc không? Và làm sao để biết chính xác ạ?

Em rất lo lắng sợ cháu bị kháng thuốc thì rất khó điều trị. Từ lúc cháu uống thuốc đến nay, cháu cũng không bị ói hay phản kháng gì của thuốc cả. Cháu đã uống thuốc 6 tháng thì em đưa cháu đi tái khám ở được không? Mong BS tư vấn giùm em.

 (Thanh Nga - [email protected])

Ảnh minh họa

Em Thanh Nga thân mến,

Phác đồ điều trị lao trẻ em thường kéo dài 6 tháng và sử dụng công thức sau: 2HRZE/4HR hoặc 2HRZ/4HR. là viết tắt của các thuốc điều trị Lao: Isoniazid(H), Rifampicin(R), Pyrazinamid(Z) và Ethambutol(E).

Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc (HRZE) hoặc 3 loại thuốc (HRZ). Giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng gồm 2 loại thuốc là H và R. Thuốc dùng cho trẻ em trên 3 tháng tuổi, dùng hằng ngày và được tính theo cân nặng.

Nếu con của em hiện đang điều trị tại Khoa Nhi BV Phạm Ngọc Thạch thì em cứ yên tâm vì đây là BV chuyên ngành điều trị về bệnh lao mà.

Trong thư em cho biết “cháu ăn uống và sinh hoạt vẫn bình thường nhưng em thấy bệnh của cháu vẫn không thuyên giảm và đang lo lắng cháu có bị kháng thuốc hay không”. AloBacsi không rõ căn cứ vào đâu mà em đánh giá tình trạng bệnh của cháu như vậy?

Lao hạch là một thể lao nhẹ, ít nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và điều trị thường có kết quả khỏi cao (trên 90%). Tuy nhiên rất khó tiên lượng diễn biến của lao hạch. Khoảng 25% trường hợp, hạch tiếp tục to lên hoặc xuất hiện thêm hạch mới mặc dù bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Đối với những trường hợp này vẫn nên tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Khoảng 20% trường hợp thì hạch bị nhuyễn hóa và có thể rò mủ.

Hơn 5 tháng điều trị cháu không bị nôn ói hay phản ứng phụ của thuốc chứng tỏ cơ thể của cháu hấp thu và chuyển hóa thuốc khá tốt. Đó là điều rất đáng mừng cho cháu.

Muốn chẩn đoán lao kháng đa thuốc, bệnh nhân sẽ được sinh thiết hạch và lấy bệnh phẩm cấy làm kháng sinh đồ xem có kháng với (R) và (H) hay không. 

Sau điều trị 6 tháng, em có thể đưa cháu tái khám, BS sẽ khám lại tư vấn rõ hơn tình trạng sức khỏe của cháu.

Chúc baby của em kết quả điều trị tốt.

Thân ái!

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: [email protected] .

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]