Các ông trông đợi gì ở đại hội lần này?

- Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần (ĐD Hữu Phần): Hiện hoạt động của hội trầm lắng quá, như là nơi sinh hoạt của các cụ về hưu. Hội cần hoạt động sôi động hơn, là môi trường thực sự để hội viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giao lưu nghề nghiệp bổ ích.

Đạo diễn, NSƯT Lê Hồng Chương (ĐD Lê Hồng Chương) - Cục phó Cục Điện ảnh VN: Tập trung lực lượng nghệ sĩ, động viên họ có tác phẩm tốt là vai trò của Hội Điện ảnh VN (hội ĐAVN). Vai trò của hội ngày càng quan trọng, trước thực trạng điện ảnh hiện nay, khi mô hình các hãng đã thay đổi. Hội phải là tiếng nói của anh em, xác định hướng đi, sự phát triển cho điện ảnh Việt.

Nhà quay phim, NSƯT Lý Thái Dũng (NQP Lý Thái Dũng) - Phó giám đốc Hãng phim truyện VN: Cuối tháng 9, Hãng phim truyện VN sẽ chính thức cổ phần hóa, nhiều hãng, nhiều đơn vị điện ảnh khác cũng cổ phần hóa. Đó là quy luật tất yếu buộc các nghệ sĩ điện ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Vai trò của hội ĐAVN chính là quy tụ hợp pháp các thành phần và phát huy tối đa thế mạnh của nó, từ truyền hình đến phát hành chiếu bóng. Ban chấp hành mới phải làm tốt sự kết nối này và đặc biệt phải có tiếng nói hỗ trợ cho khâu đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực. Vì hiện nay, ngành điện ảnh thủng lỗ chỗ nhiều khâu, động vào đâu cũng thấy vá víu, thiếu chuyên nghiệp.

Theo các ông, tồn tại lớn nhất của điện ảnh Việt là gì?

ĐD Hữu Phần: Chúng ta mở cửa cho một thị trường điện ảnh hoạt động tự do, nhưng không có hoạt động nào để “uốn nắn” khách hàng - là người xem. Thời bao cấp ít phim, nhưng việc quảng bá, - tuyên truyền được làm chu đáo, giúp khán giả hiểu giá trị (cái hay, cái đẹp) của bộ phim. Ngày nay, nhà phát hành mua phim về chiếu thu tiền, hết phim này đến phim kia. Khán giả đi xem phim cứ như đi xem một trò giải trí, như xem gameshow, để sợ một chút, vui một chút….

Hội ĐAVN phải có vai trò làm khán giả hiểu điện ảnh một cách sâu sắc hơn. Như Trung tâm phát triển điện ảnh TPD của Hội ĐAVN, ít nhất, cũng tạo ra vài trăm bạn trẻ hiểu biết điện ảnh, xem phim khác hẳn khán giả bình thường.

ĐD Lê Hồng Chương: Cần tạo ra diện mạo riêng cho điện ảnh Việt. Đem phim đi dự các LHP quốc tế, thấy rõ thế giới không quan tâm đến những phim thương mại VN. Phim lịch sử, dã sử như “Long thành cầm giả ca”, “Sống cùng lịch sử” họ lại quan tâm vì có những vấn đề mới, cách nhìn khác. Nhưng ngôn ngữ điện ảnh của ta nhất thiết phải thay đổi. Có những đề tài hay, nhưng cách kể chưa đương đại.

NQP Lý Thái Dũng: Tồn tại lớn nhất là chất lượng phim. Nhưng chúng ta không thể nóng vội mà phải đi từ từ. Ngay thế giới cũng chịu sự thống trị của phim Hollywood, họ cho chúng ta xem gì thì được xem đó.

Một giải pháp cần làm ngay để đưa điện ảnh Việt phát triển nhanh?

ĐD Lê Hồng Chương: Tôi lấy mô hình điện ảnh Pháp để tham khảo. Họ có 3 khối: Điện ảnh Hollywood; Điện ảnh Pháp mang tính thương mại; Điện ảnh theo định hướng của nhà nước, Bộ Văn hóa Pháp. Hàng năm, khối Hollywood phải trích ra 12% tổng doanh thu bán vé (nằm ngoài thuế), khối thương mại là 10%, khối nhà nước 6%, tất cả chuyển về Trung tâm điện ảnh Pháp (CNC) để phân bổ lại cho chủ rạp, cho nhà làm phim ở các khối… với mục tiêu là ưu tiên phát triển điện ảnh dân tộc, chiếm lĩnh thị trường.

Năm 2014, tổng doanh thu chiếu bóng ở VN là 86 triệu USD, năm nay sẽ tới 100 triệu USD. Nếu trích ra 10% để phát triển điện ảnh sẽ là 200 tỉ đồng - một con số không nhỏ.

Nhưng dù mời các đoàn VN sang Pháp, tôi đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Bộ, nhưng vẫn chưa thể áp dụng được do vướng cơ chế tài chính. Đó là giấc mơ 5 năm nay của tôi. Hy vọng hội ĐAVN sẽ phát huy tối đa vai trò của mình, có tiếng nói chính thống, mở được những nút thắt...

ĐD Hữu Phần: Ở nhiều nước, để chống lại sự lũng đoạn của phim Hollywood, người ta thường trích phần trăm doanh thu phát hành phim để đưa vào quỹ phát triển điện ảnh. VN nên làm như thế và giao quỹ đó cho Hội Điện ảnh VN quản lý. Quỹ đó sẽ hỗ trợ, khuyến khích cho các dự án điện ảnh có tính thể nghiệm nghệ thuật.

Sinh hoạt hội cũng nên chú trọng ở ngay tại cơ sở, nếu chính quyền địa phương hỗ trợ hội viên một khoản kinh phí cho những dự án phim độc lập mang tính sáng tạo cao thì hay biết bao nhiêu.

NQP Lý Thái Dũng: Giải pháp đầu tiên là đào tạo và nâng cao công tác lý luận - phê bình, để tạo ra một môi trường thưởng thức điện ảnh lành mạnh, có văn hóa, có gu thẩm mỹ riêng cho khán giả.

- Trân trọng cảm ơn các ông.