Làm sao để bé thôi đánh em?

0

Bé không cho em chơi đồ của mình (nhất là những đồ cháu thích), em bò lỡ ngã vào chị là chị đánh. Có lúc bình thường, cháu đang chơi lại chạy vào cấu, tát em.

Con lớn nhà tôi 3 tuổi, em gái 10 tháng. Bé lớn nói chung là ngoan ngoãn, chơi với bạn rất hòa đồng, đi lớp cũng rất được các cô khen. Thế nhưng, cháu lại có vẻ không quý em. Xảy ra việc gì (ví dụ như đổ sữa, rơi cốc…) cháu hay đổ cho em.

Sau khi sinh con thứ hai, vợ chồng tôi cũng đã cố gắng đối xử công bằng với các con, thậm chí còn cố gắng quan tâm đến bé lớn nhiều hơn vì sợ con tủi thân. Tôi không biết vì sao con lại như thế. Và tôi phải làm thế nào để cháu biết yêu và nhường nhịn em? (Bình Minh)

Ảnh minh họa: Speak2it.wordpress.com.

Trả lời

Việc trẻ (3-4) tuổi mới có em trở nên ghen ghét với em và hay có những hành vi “bắt nạt” em như anh/chị nêu trên là một hiện tượng xuất hiện khá thường xuyên ở lứa tuổi này. Các nguyên nhân chủ yếu là các em đang quen với việc “mình là mặt trời nhỏ của gia đình” được tất cả mọi người kể cả bố mẹ, ông bà quan tâm thì nay có một nhân vật mới xuất hiện làm cho trẻ cảm thấy ấm ức và mất quyền lợi. Thứ đến, hành vi thô bạo với em cũng có thể là những hành vi mà các em chỉ bắt chước những gì mà các em xem và nghe thấy hằng ngày (ví dụ trẻ nhìn thấy trong phim hoạt hình Tom và Jerry, mèo và chuột đánh nhau bằng xong chảo, gậy bóng chày nhưng sau đó các nhân vật chẳng làm sao cả nên trẻ nghĩ hành vi thô bạo của mình cũng không gây hại gì cho em). Nguyên nhân khác nữa có thể là một số trẻ có nhiều năng lượng trong người nhưng khả năng kiểm soát bản thân kém. Khi không có sự chú ý thường xuyên của cha mẹ thì mặc dầu biết những hành vi của mình với em như vậy là không tốt nhưng trẻ thường không kiểm soát được hành vi của mình.

Để giải quyết vấn đề này bố mẹ nên tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân chính gây ra hành vi thô bạo với em.

Hướng giải quyết cho nguyên nhân thứ nhất là trước khi có em cha mẹ phải làm “công tác tâm lý” với con bằng cách khéo léo đề cập đến vai trò quan trọng của con trong việc giúp bố mẹ chăm sóc thành viên mới. Cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào tất cả các hoạt động cùng bố mẹ và thành viên mới của gia đình khi có thể. Bất cứ khi nào trẻ có một hành vi tích cực với em cha mẹ sẽ khen bằng lời, thể hiện sự chú ý và vui mừng bằng cách ôm con để cho trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn chú ý chấp nhận và yêu thương mình. 

Nếu trẻ có hành vi thô bạo là do bắt chước một cách vô thức những hành vi ở trên tivi hoặc trong cuộc sống mà trẻ đã từng được xem hoặc nghe thì cha mẹ cần bình tĩnh giải thích cho con hiểu đâu là hành vi thích hợp và đâu là hành vi không phù hợp. Cha mẹ có thể đưa ra các điều kiện để củng cố những hành vi thích hợp và phạt những hành vi không phù hợp.

Nếu những hành vi thô bạo của trẻ chủ yếu là hành vi xung động do khả năng kiềm chế hành vi kém. Cha mẹ nên hướng dẫn con một số kỹ thuật giúp trẻ nhớ và kiểm soát hành vi dễ hơn như khi con cảm thấy khó chịu thì con đếm từ 1 đến 10, thở bong bóng…

Thạc sĩ Trần Thành Nam
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]