Làm sao để chăm sóc trẻ trong ngày Tết

Trẻ con thường rất mong đợi và thích thú với những ngày Tết, điều đó cũng dễ hiểu bởi chúng được nghỉ học, được mặc quần áo mới, được đi chơi, được lì xì... nhưng điều các bà mẹ quan tâm là làm sao trẻ vui chơi nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, không bị rối loạn tiêu hóa, không bị sụt cân và trẻ béo phì thì không bị tăng cân thêm?

31.1924
  • 1

    Trẻ dưới 6 tháng

    Trẻ nhỏ dưới 6 tháng, thức ăn duy nhất là sữa mẹ. Tuy nhiên không phải là không bị ảnh hưởng. Do mẹ bận rộn, lo lắng, ăn uống thất thường, ngủ không đủ giấc khiến nguồn sữa có thể bị giảm sút, cách tốt nhất để duy trì nguồn sữa là cho trẻ bú nhiều lần để kích thích tạo sữa. Ngoài ra, những bà mẹ đang cho con bú cũng nên chú ý đến chế độ ăn, cần ăn đủ chất, uống nhiều nước và hạn chế các thức ăn nhiều gia vị vốn phổ biến trong ngày Tết vì sẽ ảnh hưởng đến mùi vị của sữa, đây là nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú, sụt cân.

  • 2

    Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi

    Những trẻ nhỏ, còn ăn bột, cháo, bạn nên chuẩn bị sẵn thực phẩm để chế biến thức ăn cho trẻ. Lượng thức ăn chỉ nên dự trữ đủ dùng trong vài ngày để đảm bảo độ tươi ngon, không nên mua quá nhiều vì chợ và hệ thống siêu thị chỉ nghỉ bán có vài ngày thôi. Thực phẩm như cá, tôm, thịt heo, thịt bò… nên được sơ chế sạch, cho vào từng túi nilon nhỏ, mỗi phần khoảng 30 – 50gr để tiện dùng cho mỗi bữa. Chọn vài loại rau tươi, sạch không dập nát có thể để dành trong tủ lạnh vài ngày như rau ngót, rau cải, rau muống… mỗi bữa chỉ cần một nắm rau băm nhuyễn ăn cả xác là đủ. Mỗi bữa cháo, bột của trẻ muốn đủ chất cần thêm dầu ăn vào nữa.

  • 3

    Trẻ từ 2 tuổi trở lên

    Trẻ lứa tuổi này có thể dùng chung thức ăn với người lớn, tuy nhiên dù bận rộn cha mẹ cũng nên duy trì bữa ăn của trẻ như ngày thường, tránh xáo trộn thay đổi nhiều so với các ngày khác.

    Chúng ta nên duy trì bữa ăn sáng cho trẻ bằng cách tạo chế biến các món ăn nhanh từ bột, ngũ cốc, cháo hoặc các loại mì, miến… Đối với bữa chính, ngày Tết thường có nhiều loại thức ăn, mỗi bữa trẻ có thể ăn một chút bánh chưng, một miếng bánh mì, vài muỗng cháo. Các món như thịt kho trứng, giò chả là nguồn cung cấp chất đạm cho trẻ. Bạn cũng nên chuẩn bị rau xanh và các loại trái cây để cung cấp vitamin và chất xơ, giúp bữa ăn được đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý rau để càng lâu lượng vitamin C hao hụt càng lớn, ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh thì các vitamin trong rau cũng giảm đáng kể. Do vậy, chúng ta chỉ nên giữ rau trong vài ngày. Nên chọn rau tươi, không đập nát, không nhúng nước, như vậy rau sẽ lâu bị úng.

  • 4

    Chăm sóc trẻ biếng ăn

    Ngày Tết, người lớn thường bận rộn nhiều việc, cùng với việc đi chơi, thăm thú gia đình bà con họ hàng khiến bữa ăn không được duy trì đều đặn như ngày thường, nếu không chú ý trẻ sẽ mải chơi, quên ăn, bỏ bữa.

    Đặc biệt với những trẻ biếng ăn,  nên hạn chế dùng các loại nước ngọt, bánh ngọt, kẹo mút, socola trước bữa ăn vì sẽ tạo cho trẻ cảm giác ngang bụng và đến bữa trẻ sẽ không muốn ăn nữa. Nên tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn của trẻ bằng cách thêm dầu ăn vào mỗi chén cháo hoặc nấu cháo, bột đặc hơn để trẻ không giảm cân dù ăn số lượng ít hơn. Bữa ăn của trẻ biếng ăn nên có nhiều chọn lựa, khi trẻ không muốn ăn món này nữa thì sẽ có món khác để thay thế.

  • 5

    Chăm sóc trẻ béo phì

    Trẻ béo phì thường ăn nhiều và ít vận động, sau mùa Tết có thể tăng cân đến cả kilogram. Do đó, vào ngày Tết nên chuẩn bị bữa ăn chính của trẻ với ít cơm, hạn chế ăn bánh chưng thịt mỡ, thức ăn chiên, quay vì cung cấp nhiều năng lượng. Một  miếng bánh chưng khoảng 200gr cung cấp năng lượng khoảng 400kcal, một đùi gà quay cũng mang lại 300kcal, năng lượng của một cuốn chả giò là 40 kcal, cứ như vậy chỉ cần ăn mỗi món một chút cũng có thể làm trẻ tăng cân sau một tuần nghỉ Tết.

    Các loại giò bì, trứng cũng nên ăn vừa phải để tránh tình trạng tăng cholesterol. Trẻ béo phì nên ăn nhiều rau từ các món rau trộn, món lẩu, món bánh tráng cuốn là những món ngon miệng và cung cấp ít năng lượng.

    Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn vặt, tránh các loại nước ngọt bánh, mứt, kẹo… thay vào đó là cho trẻ dùng các loại nước ép trái cây ít ngọt như cam, bưởi, dưa hấu, thơm, lê, táo. Những loại trái cây này cũng có thể ăn cả miếng để giúp dễ tiêu hóa những thức ăn ngày Tết, vốn nhiều dầu mỡ và giàu năng lượng, đồng thời tăng cường chất xơ và vitamin.

    Nên giúp trẻ giữ thói quen vận động nếu được thì các bà mẹ nên sắp xếp, tạo điều kiện cho trẻ đi chơi công viên, chợ hoa để trẻ có nhiều thời gian đi bộ, chạy nhảy vận động nhằm tiêu hao năng lượng.

    Ngoài chế độ ăn uống, chăm sóc giấc ngủ cho trẻ cũng không kém phần quan trọng. Không nên để trẻ thức quá khuya, nếu trẻ ngủ thêm giấc trưa một chút càng tốt. Thiếu ngủ khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn và dễ mắc bệnh.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]