Làm sao để “đậu” lại trong tim ấy?

Khi kết quả thi cử của hai người “đậu - rớt” khác nhau và đó có phải là nguyên nhân để tình cảm có nguy cơ không cứu vãn được?

15.5962

LẤY LẠI LÒNG TIN CỦA PHỤ HUYNH?

@ Người cầu cứu: Vũ Xuân Dự (19 tuổi, sinh viên năm 1 ĐH Kiến Trúc TP.HCM):

Cả hai đều rất đam mê đồ họa ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường và quyết định sẽ cùng thi vào ĐH Kiến Trúc. Cuối cùng, nhỏ không thể vượt qua điểm tuyển của ngành. Niềm vui của Dự sau khi biết kết quả cũng chóng vơi đi khi giờ đây “mỗi đứa một nơi” . Gia đình nhỏ không còn để nhỏ tự do như xưa, làm việc nhà xong là ngồi vào bàn học. Nhỏ còn bị “cấm vận” cả khoản internet. Ngay cả Dự đến nhà cũng không được gặp nhỏ nữa. Tình cảm của hai người dần nhạt nhòa vì sự kềm cặp của gia đình. Không cần nhỏ nói, Dự cũng biết gia đình nhỏ đổ lỗi cho việc thi rớt của nhỏ là tại “yêu đương”.

@ Cô Vũ Thị Vân (43 tuổi, Quận 4) “ứng cứu“:

Khi con mình thi rớt, ba mẹ nào cũng vừa buồn vừa lo, sợ rằng cú sốc này sẽ trì hoãn tương lai của con. Việc duy nhất mà các bậc phụ huynh có thể làm là đốc thúc con học hành để kì thi tới làm lại từ đầu. Nếu bây giờ mà thấy con mình tiếp tục cặp kè với người yêu, ai cũng sẽ sốt ruột là lo lắng , cấm cản là chuyện dĩ nhiên.

Để phụ huynh an tâm, cháu nên cho ba mẹ bạn ấy thấy mình đang giúp bạn ấy học tập, động viên tinh thần bạn ấy, không hẹn hò vui chơi gì trong giai đoạn này. Nếu đến nhà không được gặp, cháu nên gửi lại các tài liệu ôn thi, tham khảo và những thứ có thể làm cho bạn ấy vui vẻ.

Khi thấy sự thành tâm của cháu, ba mẹ bạn ấy sẽ an tâm và để cho hai đứa tự học với nhau.

VÀ ĐỂ “ẤY” TIN TƯỞNG MÌNH?

@ Người cầu cứu: Nguyễn Trọng Thắng (18 tuổi, tân sinh viên Kinh Tế - Luật TP.HCM):

Nhận được tin ấy thi rớt, tớ chuẩn bị sẵn tinh thần để an ủi và sẵn sàng cho ấy mượn bờ vai. Nhưng ngược lại, ấy vẫn cười rất tươi, không hề tỏ ra chán nản thậm chí còn nhắn tin chúc mừng tớ. Ấy làm tớ rất bất ngờ và tự hào vì sự tự tin và lạc quan của ấy. Tớ đã cập nhật những thông tin mới nhất về xét tuyển NV2, NV3... cho ấy chọn lựa. Tớ còn định bụng, sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ để hai đứa có dịp bàn tính kĩ hơn..

Nhưng, đến ngày hẹn, tớ chờ hoài không thấy bóng dáng ấy, điện thoại thì không nghe máy. Rồi ấy chỉ nhắn vỏn vẹn một tin: Tớ giả vờ mạnh mẽ đấy! Mình…làm bạn thôi nhé! Tớ đã rất cố gắng để bắt chuyện, chia sẻ như một người bạn nhưng… ấy không hề muốn. Ấy đang học NV2 ở một trường dân lập, vẫn Facebook đều đều nhưng không hề hỏi đến tớ một câu, như hai người xa lạ vậy. Tình cảm mới chớm nở của tớ đã vì chuyện đó mà tan vỡ. Phải, tớ đã thi đậu nhưng không có cách nào "đậu" lại trong tim ấy!

Chuyên gia tâm lí Võ Thị Minh Huệ “ứng cứu”:

Nếu tinh ý, Thắng đã nhận ra được sự khác lạ trong cách ứng xử của bạn gái để sớm có hành động đúng đắn. Khi gặp cú sốc lớn, người nào càng làm ra vẻ “không có gì”, càng đáng lo hơn là người biểu lộ ra hết cảm xúc chán chường, khóc lóc… đấy. Nếu bạn ấy đã tìm cách tránh mặt, tốt nhất Thắng nên tôn trọng quyết định của bạn ấy.

Nhưng như vậy không có nghĩa là Thắng im lặng, không cho bạn ấy biết sự quan tâm của mình dành. Thắng hãy gửi tất cả những tài liệu, hồ sơ đi học, những lời tận đáy lòng mình… cho bạn ấy. Biết đâu, nhận thấy sự quan tâm của Thắng là chân thành, bạn ấy sẽ quay trở lại. Còn nếu không, Thắng cũng sẽ thấy nhẹ lòng vì mình đã làm hết những gì có thể để cho người ấy hiểu tấm chân tình của mình.”

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]