Làm sao để dạy trẻ lòng biết ơn?

Giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách về toàn diện thì cha mẹ cần dạy cho trẻ lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ. Và việc dạy trẻ không nên dừng lại trên lý thuyết, hay nhắc nhở mà phải hướng dẫn, khuyến khích trẻ thực hiện bằng hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn.

15.7166
  • 1

    Tìm hiểu lý do trẻ không chịu bày tỏ lòng biết ơn

    Một đứa trẻ không ý thức được tất cả những gì cha mẹ chúng đã làm để chu cấp mọi thứ cần thiết, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mình. Khuynh hướng chung là: gia đình càng khá giả thì trẻ con càng ít quan tâm đến những lo lắng của cha mẹ, ít tham gia vào công việc buôn bán... kiếm sống trong gia đình.
     
    Vì vậy, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi trẻ không biết về mối tương quan giữa những khó khăn, vất vả mà cha mẹ gặp phải trong công việc và những thành quả cha mẹ đạt được khi đã mất bao nhiêu công sức và mồ hôi, nước mắt. Tuy nhiên, bạn hãy bắt đầu thay đổi quan niệm này của trẻ bằng cách giáo dục cho trẻ hiểu thế nào là lòng biết ơn.
  • 2

    Hãy dành thời gian để giáo dục trẻ về lòng biết ơn

    Trước hết, trẻ phải học biết ơn đối với cha mẹ - những người đã chăm lo, nuôi nấng trẻ hàng ngày. Đối với trẻ 4 tuổi, nếu đã được dạy dỗ từ nhỏ để hiểu được sự hy sinh cao cả của cha mẹ, chúng thường nghĩ đến những ký ức tình cảm tốt đẹp đó và vượt qua những mâu thuẫn không thể tránh được trong cuộc sống hàng ngày với cha mẹ.
     
    Dạy trẻ lòng biết ơn đòi hỏi một sự kiên trì rất lớn từ cha mẹ và nó phải phù hợp với sự nhận thức của trẻ. Ví dụ, khi trẻ lên 2 tuổi, bạn hãy nhắc nhở trẻ nói: “Xin làm ơn” và “Cảm ơn” trong những tình huống thích hợp. Ví dụ, bạn nói: “Mẹ tìm ra chiếc xe mà con đã làm mất rồi đấy! Cảm ơn mẹ đi nào!”, hoặc “Nếu con muốn nhờ ai đó giúp đỡ thì con phải nói là: “Bác làm ơn dắt hộ cháu chiếc xe đạp với ạ!”.... Tất cả điều này không những dạy trẻ về cách cư xử mà còn dạy trẻ về sự cảm thông. Bạn hãy duy trì việc nhắc nhở mỗi khi trẻ quên áp dụng những câu nói đó.
     
    Bạn hãy nói cho trẻ hiểu những nỗ lực của mọi người trong xã hội để trẻ có được cuộc sống hạnh phúc và ấm êm từ những nỗ lực của những hành động thực tế xung quanh trẻ mà trẻ không để ý tới. Ví dụ, để có những con đường sạch đẹp để chúng ta đi là do công của ai? Chúng ta được chữa khỏi bệnh tật là do công của ai? Và kể cho trẻ về những tấm gương như: chị Võ Thị Sáu, Kim Đồng… và đặc biệt là Bác Hồ.
     
    Tập cho trẻ có những hành động thể hiện lòng biết ơn: Việc thể hiện lòng biết ơn không thể chỉ là lí thuyết suông mà cần phải thường xuyên cho trẻ luyện tập để tạo thành thói quen. Việc luyện tập bắt đầu từ trong gia đình. Ví dụ, nhân ngày 8 – 3, bé có thể tặng mẹ một món quà nhỏ để bày tỏ lòng biết ơn với mẹ, sau đó là dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn với những người xung quanh, hướng dẫn trẻ tích cực tham gia các hoạt động uống nước nhớ nguồn…
     
     
  • 3

    Cha mẹ phải là tấm gương thể hiện lòng biết ơn cho trẻ

    Vì trẻ nhỏ học được rất nhiều điều từ cha mẹ, vì thế nếu bạn thể hiện lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình thì trẻ sẽ nhanh chóng tiếp thu, học hỏi điều này.
     
    Đừng quên cảm ơn mọi người trước mặt trẻ như: cảm ơn những người phục vụ bữa tiệc cho gia đình bạn ở nhà hàng và những nhân viên thu ngân tại siêu thị...
     
    Bạn cũng nên thể hiện lòng biết ơn đối với trẻ. Lòng biết ơn ở đây không chỉ nói đến sự biểu lộ về hành vi, cử chỉ tốt mà bạn cố gắng khuyến khích bằng cách nói như sau: “Mẹ Cảm ơn sự giúp đỡ của con!”. Tuy là có những lúc trẻ không ý thức về việc tốt mà trẻ đã làm, nhưng chúng ta cũng cần phải diễn tả lòng biết ơn với con. Chẳng hạn, chỉ cần nói: “Sáng nay đi sở thú có vui không con? Cảm ơn con, vì ba cũng có một ngày giải trí thoải mái”.
  • 4

    Khen thưởng và trách phạt

    Khi trẻ có hành vi bày tỏ lòng biết ơn thì cha mẹ cần kịp thời động viên khen thưởng trẻ, hoặc đưa ra những khuyến khích với trẻ để trẻ thể hiện lòng biết ơn.
     
    Khi trẻ không biết bày tỏ lòng biết ơn thì cha mẹ cần kiên nhẫn chỉ bảo trẻ, uốn nắn kịp thời, có thể dùng hình phạt với trẻ. Tuy nhiên, không đánh mắng trẻ mà cần nói chuyện và giải thích với trẻ. Ví dụ: Trẻ đang nằm trên giường xem tivi hét toáng: “Mẹ ơi, con muốn uống nước trái cây”.  Và bạn mang nước đến cho bé, bé không nói gì, thậm chí chẳng thèm nhìn đến... Khi thấy trẻ cư xử như vậy, bạn cần dạy trẻ ngay và đừng máy móc thỏa mãn những đòi hỏi của trẻ. Thay vào đó, bạn nói: “Nếu cứ nói với cái giọng ra lệnh như thế và có thái độ như vừa rồi thì mẹ sẽ không lấy nước cho con đâu. Con phải xin một cách lễ phép chứ!”. Hoặc bạn bắt trẻ chỉnh nhỏ âm thanh ti vi và nói: “Đây không phải là cách để nhờ mẹ mang nước lên cho con”...
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]