Làm sao để người già “dễ tính”?

ANTĐ - Người ta vẫn nghĩ “tuổi già đi liền với khó tính”. Làm thế nào để cải thiện tình trạng đó ở người cao tuổi?

0


Ảnh minh họa

1. Môi trường sống thoải mái

Nếu người già được sống trong một môi trường thoải mái, giàu tình yêu thương và vị tha thì tâm lý, tính cách họ cũng sẽ rộng lượng, dễ chịu hơn.

Khi về già, tính cách con người cũng thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người già thường hay kỹ tính, cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên suy nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Ngược lại, lớp trẻ năng động và luôn có xu hướng “hướng ngoại”. Họ có phong cách sống trẻ trung, nghĩ cũng “thoáng” hơn. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.

Vì vậy, để người già “dễ tính” hơn, các thành viên trong gia đình cần ôn hòa, thoải mái, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn. Người già sẽ sống vui, sống khỏe khi con cháu hiếu thảo, luôn luôn lễ phép và tôn trọng ý kiến của họ.


2. Trẻ hóa bản thân

Ta làm cho người cao tuổi được trẻ hóa bản thân, tức là họ biết tự chăm sóc bản thân mình, không tạo gánh nặng cho xã hội và được làm theo những gì họ muốn. Những người cao tuổi về hưu, họ có rất nhiều kinh nghiệm với vốn kiến thức tích lũy được theo năm tháng. Đó là kho báu quý giá cho lớp trẻ nếu họ biết cách “khai phá”. Hãy để người già đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Như vậy họ không cảm thấy mình vô dụng, không giúp được gì cho con cái nữa.

Ví dụ nhờ ông bà chăm con, đưa đón cháu đi học khi ông bà còn khỏe và dẻo dai. Một số người già chọn viết sách để truyền lại tri thức cho thế hệ sau và làm việc trong khả năng cho phép của mình. Họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Thêm vào đó, người già trẻ hóa bản thân ở cả tâm hồn và hình thể. Cách ăn mặc, chăm sóc cơ thể một cách khoa học của người cao tuổi giúp họ giữ được những nét tươi trẻ. Như vậy họ sẽ tự tin hơn trong sinh hoạt và giao tiếp với mọi người.

Người già cần tiếp xúc với lớp trẻ nhiều hơn, đọc sách báo, quan tâm đến đời sống, nhu cầu và tính cách của lớp trẻ để hiểu họ nhiều hơn, tránh những mâu thuẫn dễ khiến người già “khó tính”. Đây cũng là cách làm cho tâm hồn họ không “già cỗi”.

3. Sẵn sàng tâm lý

Khi xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tính cách, bạn có thể tự làm dịu lại tính tình của mình hay người thân. Những giải pháp sau rất hữu hiệu trong việc giúp bạn không trở nên “khó tính” khi lớn tuổi.

Ở giai đoạn sung sức hãy kết hợp làm việc và giải trí, chuẩn bị sẵn sàng về sức khỏe và tâm lý trước khi bước vào thời kỳ "xuống dốc". Bạn nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lưu ý giảm lượng đường và muối trong bữa ăn, tăng cường ăn nhiều rau tươi, quả chín và các thức ăn giàu chất chống oxy hóa, ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá; đặc biệt là tăng cường vận động. Hơn nữa, cần bổ sung lượng sữa phù hợp với cơ thể, phòng chống loãng xương và thiếu chất dinh dưỡng. Bạn cũng nên dùng thêm một số thực phẩm chức năng.

Đến tuổi, phụ nữ có thể chủ động bổ sung thêm lượng hormone nữ bằng cách tăng cường cung cấp estrogen thực vật có nhiều trong đậu phụ, sữa đậu nành... Nam giới nên dùng các thực phẩm như: mật ong, trứng, ngũ cốc, rong biển… để bổ sung nội tiết tố cần thiết.

Người già cần giữ cho mình một tâm hồn phong phú với tâm lý luôn sẵn sàng khi trở thành người cao tuổi. Điều này sẽ tránh cho họ tâm lý hoang mang, lo sợ khi về già, sức khỏe giảm sút.

4. Những thú chơi tao nhã

Về già là lúc bạn nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống sau bao năm làm việc, cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội. Thời gian rảnh rỗi, bạn có thể tự tìm cho mình những thú chơi tao nhã vừa để tâm hồn thêm thư thái, vừa để rèn luyện sức khỏe. Đây cũng là cách khám phá thêm khả năng của bản thân mà tuổi trẻ do công việc bận rộn và thời gian eo hẹp, bạn chưa có điều kiện để thực hiện. Những thú vui như làm vườn, chơi cây cảnh, chơi chim, chăm bể cá cảnh, nuôi thú cưng hay đi câu cá, đánh cờ… Có nhiều cách chọn sao phù hợp với niềm yêu thích, sức khỏe và điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế của người cao tuổi. Tìm đến các thú chơi tao nhã sẽ rút ngắn thời gian rảnh rỗi có thừa của người già, tránh làm họ cảm thấy buồn chán dễ sinh cáu gắt.

5. Gắn bó với tập thể

Tuy về hưu, nhưng bạn vẫn cần duy trì gắn bó với tập thể để giảm bớt sự cô đơn và tìm những niềm vui khác nhau cho mình. Bạn có thể tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, câu lạc bộ người cao tuổi như câu lạc bộ thơ, diễn văn nghệ… Ngoài ra, có các câu lạc bộ thể dục thể thao hợp lứa tuổi như cầu lông, dưỡng sinh… Ở nhà, bạn có thể trông cháu, chăm vườn cây, nuôi thú cưng... để làm mình bận rộn hơn.

Bạn cũng có thể sang hàng xóm chơi hoặc đi thăm người thân, bạn bè. Một số người về quê hương, thăm họ hàng và tìm lại những kí ức của tuổi thơ làm cho tâm hồn mình thanh thản, yên bình.

Con cái cần có sự quan tâm chăm sóc bố mẹ trong thời gian này. Nên thường xuyên về thăm, tổ chức những buổi họp mặt gia đình. Một bữa cơm ấm cúng có đủ con cháu quây quần xung quanh, đầy ắp tình yêu thương sẽ làm cho người già vui sống. Đừng cáu gắt với sự nhiều chuyện, nóng nảy hay suy diễn của bố, mẹ. Con cái càng xa lánh, giận dỗi, bố mẹ sẽ càng cảm thấy cô đơn và khó tính hơn. Chỉ cần một hành động nhỏ bất kính, thiếu tôn trọng của con cái với bố mẹ sẽ khiến họ cảm thấy tủi thân và thêm phần “không dễ tính”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]