Kể từ ngày đứng bán xe nước sâm và nước dừa, anh Thành không còn đi lang thang và bắt đầu nghĩ về tương lai.

Bán dừa để lo tương lai

 Hơn hai năm nay, hình ảnh người đàn ông lầm lũi bán nước sâm đối diện Trường THCS Lý Thánh Tông đã trở nên quen thuộc với người dân ở khu phố 1, phường 9, quận 8. Anh là Nguyễn Hữu Thành, 52 tuổi, một bệnh nhân tâm thần đang được cơ sở y tế phường điều trị. Hiện tại, anh đang sống cùng với một người anh khác cũng bị tâm thần, một người cha già và bốn anh chị em khác trong một mái nhà.

“Tôi chỉ mới biết đến tiền hai năm nay thôi chứ mười mấy năm trước, tôi không nhớ gì hết” - anh Nguyễn Hữu Thành nói về những ngày tháng đen tối của cuộc đời. Năm 2001, trong một lần băng qua đường, anh bị một lái xe say rượu tông dập não, chuyển bệnh viện đến năm lần mới giữ được mạng sống nhưng kể từ ngày đó anh trở nên ngơ ngẩn.

Chị Vân đang bày anh Thành cách chặt trái dừa sao cho không bị đổ nước ra ngoài. Ảnh: H.LAN

Anh tâm sự: “Vợ con chưa một lần đến thăm nhưng tôi không trách đâu. Vài năm nữa mà khỏe khỏe, tôi sẽ đi tìm vợ con. Nếu vợ có chồng mới rồi thì cũng mừng cho nó, quan trọng là tôi gặp được con. Lúc mới ra bán, tôi làm rớt tiền người ta lượm quá trời mà không biết là tiền của mình luôn. Số mình trời phạt nên cho trí thông minh chậm phát triển nhưng bù lại giỏi là được”.

Thấy một ông cụ từ đằng xa đi tới, anh lật đật lấy hai chai nước sâm bỏ vô bịch. “Ông này là mối quen đấy. Ổng có cô con gái cũng bệnh tâm thần rủ tôi đi chơi hoài mà tôi không có dám, lỡ đi có chuyện gì thì chết” - anh vừa nói vừa tủm tỉm cười. Một cô gái dừng xe mua một trái dừa, anh chạy ra tìm chỗ máng để treo lên cho cô.

Chưa kịp ăn cơm trưa, anh nhờ chị trông hộ để đi lấy thêm dừa về bán. Anh cúi người đạp chiếc xe cà tàng lao đi, bóng anh đổ dài liêu xiêu trên nền đường bỏng rát.

Cần gia đình che chở

 Nhìn em trai đi khuất, chị Nguyễn Thị Huỳnh Vân kể: “Hơn hai năm trước, Thành tự dưng nói muốn ra buôn bán. Tôi nghĩ mãi mới nghĩ ra xe nước sâm là nhẹ vốn nhất. Thấy nó hay buồn bực sinh sự nên tôi cũng muốn để nó ra vô cho khuây khỏa. Lúc mới cho nó ra bán, mình phải đi lấy dừa và bán kèm nó năm, sáu tháng trời, chỉ bảo dần dần cho nó biết cách bán, chỗ đi lấy dừa rồi mới dám thả ra đó. Mỗi lần nó gây sự thì phải có mặt xin lỗi người ta liền chứ để nói dai là có chuyện. Nó còn thường thối lại tiền mà chưa lấy tiền nên đứt vốn hoài, tôi phải bù vô suốt. Giờ thì đỡ hơn rồi. Ngày chỉ bán tầm được 10 trái dừa, đủ tiền cà phê nhưng tôi thấy nó vui vẻ, hoạt bát hơn nhiều thì mừng lắm”.

Anh Nguyễn Hữu Trí, anh của anh Thành, góp chuyện: “Trước khi Thành bị tai nạn, nó có ăn ở với một phụ nữ chứ không cưới xin và có một đứa con nhưng chưa bao giờ dẫn về nhà. Từ lúc nó bệnh, tôi cũng chưa thấy cô này tìm đến. Hơn hai năm nay nó nhớ vợ con, bảo tôi chở xuống Thủ Đức lòng vòng suốt năm tiếng đồng hồ kiếm nhà mà nó không nhớ ra nên đành về lại. Xem ra nó quyết tâm tìm lại vợ con lắm”.

Bán quần áo cũ cạnh chỗ anh Thành, chị Hồng cho biết: “Tôi đã biết gia đình anh Thành từ 25 năm nay. Mới đầu chỉ có anh của anh Thành là chú Dũng bị tâm thần thôi, ai ngờ sau này anh Thành cũng bị luôn. Nhà có một người bị cũng đủ khổ rồi huống hồ là hai. Nhà nghèo mà phải gánh hai miệng ăn lại hay quậy phá, la hét nhưng chưa bao giờ thấy các anh chị em nói nặng nhẹ với nhau. Tôi nghe nhiều gia đình gửi con, cháu vào bệnh viện tâm thần mà khi chữa khỏi bệnh rồi còn không muốn đón về nữa là. Từ khi có xe nước sâm, dù bán không được bao nhiêu, mùa mưa thì đành ngáp ruồi nhưng anh Thành hết đi lang thang, bớt chửi bới người khác. Ở đây, anh đã đưa được bao nhiêu người già, đứa bé băng qua đường. Nhìn thấy những người mắc bệnh tâm thần, tôi xót xa lắm vì cũng là một kiếp người mà không được hưởng hương hoa cuộc đời trọn vẹn. Nhưng hai anh cũng còn may mắn hơn nhiều hoàn cảnh khác là có một gia đình thương yêu, che chở”.

Nếu người tâm thần nào cũng được gia đình đối xử như anh em của anh Thành thì tốt quá. Gia đình và xã hội đừng nên xa lánh người bệnh tâm thần. Nếu dùng tình thương cảm hóa và cho uống thuốc chặn cơn thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ thì người tâm thần sẽ chung sống được với gia đình, thậm chí sống có ích. Các phương pháp trị liệu cho người tâm thần gồm có hóa trị (dùng thuốc), lao động trị liệu, âm nhạc trị liệu. Với những bệnh nhân tâm thần nhẹ, tạo cho họ một công việc nhẹ nhàng để họ thấy mình sống có ích, bớt thời gian ngồi không rồi suy nghĩ vẩn vơ là điều rất tốt.

BSCK1 VŨ ĐÌNH SƠN, Trưởng phòng Y tế Sở LĐ-TB&XH

HOÀNG LAN

Video đang được xem nhiều