Làm sao để sách hay đến tay người đọc?

Mỗi năm, Giải thưởng Sách hay lại "chọn mặt, gửi vàng" được một số tác phẩm, góp phần định hướng thẩm mỹ đọc cho công chúng. Thế nhưng, để những cuốn sách hay đến tận tay số đông người đọc thì vẫn còn là một chặng đường dài.

0
Hơn 1500 người đã náo nức kéo tới khán phòng lớn của Khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, TPHCM) sáng Chủ nhật 22-9, đón chờ kết quả Giải thưởng Sách Hay. Khán phòng không còn chỗ trống. Khung cảnh náo nhiệt và tràn ngập các gương mặt trẻ, đến nỗi tất cả các nhân sĩ trí thức đều bày tỏ sự vui mừng, ai cũng bảo thế mà cứ nói chỉ có người già đọc sách chứ người trẻ không đọc. Thế nhưng, đã có thể thật sự mừng vui trước khung cảnh đó chưa? Câu trả lời là chưa. Chính BTC cũng chưa thể vui vì câu hỏi "Làm sao để sách hay đến được số đông người đọc?" vẫn chưa có lời đáp.


Nhà văn Nguyên Ngọc - Đại diện Hội đồng trao giải Sách hay


"Công chúng trong khán phòng này mới chỉ là một con số quá nhỏ đối với mấy chục triệu dân Việt Nam. Thật sự thì người dân Việt Nam đã đọc sách và tìm kiếm tri thức trong sách chưa? Có, nhưng ít lắm. Thống kê mới nhất là mỗi năm, một người Việt đọc chưa hết một cuốn sách. Và, ngay cả giải thưởng này, chúng tôi quan niệm nó là một trong những chương trình để cổ động cho thói quen đọc sách thôi, và cũng mới chỉ có thể tổ chức được chương trình tại TP HCM, còn chưa thể làm tại Hà Nội và miền Trung, kể cả tại một mảnh đất giàu tính văn hóa như Hội An" - nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, đại diện Hội đồng trao giải Sách hay khẳng định.

Trao đổi về những nghịch lý, khó khăn của việc đọc sách thời hiện đại, nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự: "So với cái thời mà việc in sách khó khăn, nhà xuất bản ít mà cơ quan kiểm duyệt lại quá nhiều thì hiện nay, sách trên thị trường ở ta rất phong phú nhưng tôi lại thấy độc giả càng lúc càng khó khăn hơn để tìm được một cuốn sách thật sự hay giữa rừng sách đó. Tôi khá lo ngại về chất lượng dịch thuật và cách làm sách của nhiều đơn vị hiện nay. Giải thưởng Sách hay có mục đích hỗ trợ, gợi ý cho người đọc tìm được sách đáng đọc và qua đó góp phần nâng cao thị hiếu đọc, một phần quan trọng của văn hóa đọc. Ngoài ra, theo tôi, để thực sự phát triển văn hóa đọc, có hai kênh cần đặc biệt chú trọng: Một là nhà trường, không thể nào tạo được niềm ham mê, hứng thú đọc sách cho trẻ em nếu không có sự rèn luyện ngay từ tấm bé. Thời xưa, cứ mỗi cấp đều có những bài luyện tập phải đọc hết một tác phẩm, sau đó là một tác giả, một giai đoạn văn học. Bây giờ, hoàn toàn không có điều đó trong các nhà trường. Hai là gia đình, chính việc cha mẹ đọc sách cho con nghe, cha mẹ tạo lập tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ sẽ cho con cái thói quen tìm kiếm và vận dụng tri thức trong sách”.

Ngay tại khán phòng, rất nhiều bạn trẻ vẫn cho biết giới trẻ quanh họ nói chung là không đọc sách, nhiều khi lên thư viện mượn về vậy thôi nhưng không đọc, kể cả khi đã đọc rất nhiều sách và nhớ được các kiến thức trong sách nhưng vẫn chỉ là những chiếc "máy nói", những "con vẹt thông minh" lặp lại những gì trong sách chứ chưa thật sự vận dụng được các kiến thức quý báu từ sách.


Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn

Trao đổi về vấn đề này, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung và nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn khuyên các bạn trẻ đừng nên quá băn khoăn về vấn đề làm thế nào để có thể khai minh? Bởi vì mọi người trẻ đều cần tích lũy kiến thức từ sách vở trước đã rồi sau đó, khi trưởng thành đến một cấp độ nào đó, chẳng hạn như lên đến cỡ Tiến sĩ, mới thực sự có thể có những phát kiến của riêng mình nhờ tích lũy kiến thức cộng với hoạt động thực tế và quá trình nghiên cứu khoa học. Thế nên, các bạn trẻ hãy cố gắng tìm những hành động thiết thực nhất để cổ vũ văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí.

Sau khi trao giải thưởng, vẫn còn ngổn ngang quá nhiều việc phải làm để có thể tạo dựng thói quen đọc sách, mua sách, tặng sách cho người nghèo... Chẳng hạn như dự án "Một cuốn sách" do chính chương trình trao Giải thưởng Sách hay lập ra, với tiêu chí những người có thể hãy dành một cuốn sách cho đồng bào vùng khó, khởi động từ năm 2008. Chương trình rất mong nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người nhưng có cảm giác như hoàn toàn không có sự kết nối nào với nhau giữa các chương trình, dự án liên quan đến tặng sách như Tủ sách cho nông thôn (do một số cá nhân lập ra), một triệu cuốn sách cho trẻ em nghèo (do Báo Phụ nữ ngày nay điều phối)... Sự thiếu liên kết giữa chính các dự án tốt đẹp này, phải chăng đã làm yếu đi sức mạnh tổng thể mà lẽ ra có thể có được từ những cuốn sách?  
Hòa Bình
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]